Cục An toàn thực phẩm và Grab hợp tác nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm Cục An toàn thực phẩm: “Thần dược” Peauhonnête NMN ARG Liquid 12000 vi phạm quy định về quảng cáo |
Song, liệu Cục An toàn thực phẩm có buông lỏng công tác hậu kiểm để thị trường trở nên bát nháo?
Tràn lan sai phạm
Thời gian gần đây, thị trường thực phẩm chức năng trở nên “bát nháo” hơn bao giờ hết. Nhiều đơn vị kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng trái phép khiến người tiêu dùng bức xúc. Tuy nhiên, vai trò của đơn vị quản lý trực tiếp là Cục An toàn thực phẩm lại khá mờ nhạt, có dấu hiệu buông lỏng quản lý?
Theo quy định, mỗi sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều phải trải qua rất nhiều thủ tục và được kiểm soát khá chặt chẽ như công bố chất lượng sản phẩm, xét duyệt nội dung quảng cáo, sau đó là công tác hậu kiểm từ phía Cục An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại vẫn xuất hiện trên thị trường.
Trên thị trường có hàng loạt thực phẩm chức năng đang được tung hô như “thần dược” trên các phương tiện truyền thông. Cách thức vi phạm quảng cáo phần lớn là thổi phồng công dụng, liệt kê các thành phần; dùng nhận xét của khách hàng; nghệ sĩ nổi tiếng tâng bốc sản phẩm; dùng hình ảnh của người làm trong ngành y để tăng thêm sự uy tín cho sản phẩm.
Đặc biệt là các trang tin, mạng xã hội đăng tải các bài viết về bệnh tật khiến cho người đọc sợ hãi rồi kêu gọi họ liên hệ đến hotline hoặc ô điền thông tin cá nhân, rồi được kết nối với các “chuyên gia” – những người tự xưng là bác sỹ, dược sỹ có bằng cấp tư vấn rồi bán thực phẩm chức năng.
Theo tìm hiểu, các đối tượng từng bị báo chí phanh phui là giả mạo với những kịch bản “chốt sale” được chuẩn bị bài bản. Cuối năm 2021, các “thần y” ngồi tại căn phòng tại ngõ 11 Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) bị phanh phui. Chỉ mất vài ngày học kịch bản, các nhân viên trạc đôi mươi đã điên cuồng gọi điện tự xưng là trợ lý của một thầy thuốc có hơn 30 năm kinh nghiệm, từng công tác tại một bệnh viện lớn, mang Đề án 641 của Chính phủ, bảo hiểm y tế hòng chiếm niềm tin của khách hàng bán sản phẩm có tên Great Heigh Việt Nam. Đây là thực phẩm chức năng giúp tăng trưởng chiều cao, có đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là Công ty TNHH Thương mại Vinpharco (có địa chỉ tại tầng 2, tòa R4 Royal City, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Sự nhẫn tâm, bát nháo trong lĩnh vực thực phẩm chức năng còn thể hiện bằng việc cho chất cấm vào sản phẩm. Ngày 10/4/2022, lực lượng chức năng liên ngành đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Lasva (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), phát hiện gần 2.000 hộp cà phê Hoàng Gia hỗ trợ giảm cân (30 gói/hộp) có thành phần chất cấm độc hại Sibutramine. Ngày 26/5/2022, Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh báo cáo sự vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn vào tháng 4/2022 có 4 mẫu sản phẩm Max Health Go Coffee cà phê Insert Coffee to begin, có các ngày sản xuất, hạn sử dụng khác nhau đang lưu thông trên thị trường bị phát hiện chứa Sibutramine.
Một cách thức khác được sử dụng là gắn mác bài thuốc Đông y cho thực phẩm chức năng. “An Phế Khang”, “Mộc Hoa Đường”, “Mộc Vị Khang”, “Vương Lực Khang”… là những cái tên tiêu biểu trong cách thức núp bóng Đông y lừa đảo người tiêu dùng, liên tục bị báo chí phản ánh.
Vậy nhưng tất cả những sản phẩm này lại được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành, quảng cáo trên khắp các diễn đàn khiến hàng triệu người đã tin dùng.
Buông lỏng hậu kiểm?
Được biết, hiện có hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng được Cục An toàn thực phẩm đã được cấp phép lưu hành. Song dường như đơn vị này lại đang có dấu hiệu “thả lỏng” trong khâu hậu kiểm khiến thị trường này trở nên phức tạp, “vàng thau lẫn lộn” trong thời gian qua.
Theo giới kinh doanh thực phẩm chức năng, đây là lĩnh vực kinh doanh 1 vốn 10 lời. Trong khi đó, thủ tục công bố một sản phẩm thực phẩm chức năng khá dễ dàng, chỉ cần khoản vốn khoảng 20 triệu đồng là có thể đủ chi phí làm thủ tục cho nhãn sản phẩm mang thương hiệu của mình; tất cả thủ tục, sản xuất đã có các nhà máy đảm nhiệm. Sau đó thuê chuyên gia, nghệ sĩ quảng cáo là bán được hàng.
Theo nguồn tin phản ánh tới Báo Công Thương, thời gian vừa qua có 4.272 sản phẩm thực phẩm chức năng được công bố tại Việt Nam. Khảo sát tại ngày 18/6/2022, có 1.402 sản phẩm được Cục An toàn thực phẩm tiếp nhận công bố trong 45 ngày qua. Nghĩa là mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận công bố 31 sản phẩm, tính cả ngày nghỉ.
Trên trang website https://vfa.gov.vn/ của Cục An toàn thực phẩm thi thoảng mới có một vài thông tin cảnh báo, xử phạt vi phạm hành chính |
Cụ thể, thông tin trên website https://vfa.gov.vn/ của Cục An toàn thực phẩm, trong ngày 17/6/2022, 11 sản phẩm được đăng ký; con số tương tự với ngày 16/6 là 26 sản phẩm, ngày 15/6 là 34 sản phẩm, 14/6 là 49 sản phẩm, 13/6 là 40 sản phẩm, 12/6 là 47 sản phẩm…
Ở phạm vi lớn hơn, từ ngày 1/6 - 17/6 đã có 971 sản phẩm được công bố; con số tương tự với tháng 5 có khoảng 980 sản phẩm, tháng 4 có khoảng 950 sản phẩm, tháng 3 có khoảng 850 sản phẩm… Như vậy từ đầu quý II đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 3.700 sản phẩm là thực phẩm chức năng được công bố chất lượng. Thế nhưng, việc xử lý vi phạm thì khá mờ nhạt.
Cụ thể, đối chiếu với mục “Thanh, kiểm tra” trên website của Cục An toàn thực phẩm, thông tin xử lý những sai phạm của các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm quảng cáo còn khá “mỏng”, đa phần chỉ là xử lý hành chính hoặc cảnh báo.
Theo danh sách các cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm công bố, từ ngày 24/5/2022 - 15/6/2022, Cục này mới xử phạt 6 đơn vị: Công ty TNHH Thương mại Kindpeak, Công ty CP Công nghệ quốc tế Đại Việt, Công ty CP DP Ecolife, Công ty CP Dược phẩm Amano Nhật Bản, Công ty CP Anvy, Công ty CP Mastertran.
Tìm ngẫu nhiên một sản phẩm được đăng ký gần đây, phóng viên đã dễ dàng phát hiện dấu hiệu quảng cáo trái phép nhưng chưa thấy Cục An toàn thực phẩm phát hiện, xử lý. Cụ thể, sản phẩm nước nấm Đông trùng hạ thảo Hector Sâm của Công ty TNHH LAVITE (số 7 đường 4, KDC Khang An, phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) có Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm số 3818/2022/ĐKSP ngày 1/6/2022. Tại đường link https://maihan.vn/hector/nuoc-dong-trung-ha-thao-ket-hop-sam-hector.html, sản phẩm này được quảng cáo theo cách đưa nhận xét của khách hàng, liệt kê công dụng từng thành phần. Tên miền “maihan.vn” là của Công ty CP Sản xuất thương mại dịch vụ Mai Hân (trụ sở tại số 15, đường 17, phường Phước Bình, TP. Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đăng ký hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.
Như vậy, với hàng chục loại thực phẩm chức năng được đăng ký mỗi ngày, Cục An toàn thực phẩm sẽ kiểm soát như thế nào khi đơn vị ký Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm?
Mặt khác, trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm như thế nào nếu người dân dùng thực phẩm chức năng kém chất lượng bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng? Bởi lẽ, hậu quả gây ra là cực kỳ nghiêm trọng như ngày 31/3, một trường hợp ngộ độc nặng khi sử dụng thực phẩm bổ sung nhãn hiệu “Cafe Hoàng Gia” hỗ trợ giảm cân, được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai. Điều đáng lo ngại nằm ở chỗ, sản phẩm được đăng ký tự do, tung ra thị trường trước, có trường hợp nhập viện, sau đó mới có báo cáo từ các đơn vị xét nghiệm là có chất cấm, tiếp đến là Cục an toàn thực phẩm mới cảnh báo hoặc thu hồi.
Từ tháng 7/2019 đến nay, chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) đã được áp dụng cho mặt hàng thực phẩm chức năng. Vậy có bao nhiêu cơ sở sản xuất được cấp GMP khi sự “bùng nổ” thực phẩm chức năng đang diễn ra hiện tại? Với hàng chục loại sản phẩm được công bố mỗi ngày, liệu tất cả đều được sản xuất từ những nơi đạt chuẩn? Trong vụ “Cafe Hoàng Gia”, sản phẩm hỗ trợ giảm cân được sản xuất tại Nhà máy dược mỹ phẩm Lasva. Vậy nơi này có đạt chuẩn GMP không? Nếu không, thì trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm đang ở đâu khi để tính mạng khách hàng đi trước, cảnh báo theo sau?
Được biết, Văn bản số 2728/QĐ-BYT ngày 3/5/2018 của Bộ Y tế đã quy định rất rõ về chức năng nhiệm vụ của Cục An toàn thực phẩm. Văn bản cũng nêu rõ trách nhiệm cao cả của Cục An toàn thực phẩm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, cấp phép, quản lý, hậu kiểm và xử lý các đơn vị vi phạm liên quan.
Tuy nhiên, qua những số liệu trên, có thể thấy Cục An toàn thực phẩm phát hiện, cảnh báo và xử lý rất ít đơn vị sai phạm với con số quá khiêm tốn so với danh sách các sản phẩm được công bố mới hằng ngày.
Vậy phải chăng, Cục An toàn thực phẩm chỉ cấp ra rồi để… đấy, phó mặc cho các cơ quan khác như Quản lý thị trường gánh vác trách nhiệm làm “trong sạch” thị trường?