Đưa khách du lịch vào thưởng thức trà tại xưởng trà ở Bắc Kinh cũng là một hình thức giảm chi phí tour của các công ty lữ hành ở TP.HCM
CôngThương - Theo Sở Văn hóa - Thông tin - Du lịch TP. Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có 809 công ty đăng ký hoạt động du lịch, trong đó có 458 công ty có giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế và 351 công ty có giấy phép lữ hành nội địa.
Tuy nhiên, trên thực tế hầu như công ty nào cũng ít nhiều tham gia tổ chức tour quốc tế, bởi đây là thị trường “có ăn”, chỉ cần làm ăn đàng hoàng, lợi nhuận thu về từ mỗi khách cho một tour Đông Nam Á hoặc Nam Á đã từ 7 - 15 USD. Sự “vượt rào” vì lợi nhuận này đã tạo ra nhiều hệ luỵ gây phiền hà cho khách du lịch, làm ảnh hưởng không ít đến uy tín thị trường du lịch lữ hành TP.HCM những năm gần đây.
Trước tiên là chuyện giá tour. Đa số khách hàng có thói quen nhằm vào việc chọn giá chứ không nhằm vào chất lượng tour. Cùng một tour đi Campuchia 4 ngày, 3 đêm nhưng đã có hàng chục mức giá khác nhau (từ 3,2 - 3,8 triệu đồng/ khách). Chỉ chênh lệnh vài trăm ngàn đồng/ khách là dịch vụ đã khác hẳn nhau.
Sôi động nhất có lẽ là tour Thái Lan. Tổng chi phí 6 ngày tính vừa đủ cho vé bay, phòng khách sạn, ăn uống, tham quan… đã gần 400 USD/ khách. Thế nhưng vẫn có nhiều công ty bán tour Thái Lan với giá từ 6,2- 7,1 triệu đồng/ khách. Giảm giá thành để “câu” khách nên phải giảm giá dịch vụ, thành ra đến xứ người, khách phải ăn ở lếch thếch - lôi thôi. Vụ hơn 600 khách của Travel Life bị bỏ đói và bị phân biệt đối xử ở Thái Lan vào giữa tháng 6 vừa qua là một điển hình. Đây cũng là một điển hình về “hậu hoạn” bán tour. Đa số khách trong tour này được Travel Life mua từ Herbalife. Vì nhập nhằng tiền bạc giữa hai bên và vì bán giá tour quá rẻ (6,3 triệu đồng/ khách) nên không có khả năng thanh toán chi phí cho đối tác kinh doanh du lịch bên Thái Lan, cuối cùng khách hàng bị đối xử thậm tệ. Xem lại thì Travel Life và Herbalife đều không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Chuyện bán tour hầu như đã trở thành “cơm bữa” với các đơn vị lữ hành nhỏ. Nhiều “công ty” lấy nhà làm văn phòng, chỉ một người vừa là giám đốc vừa là nhân viên tổ chức tour đi khắp nơi. Thực chất, giấy phép kinh doanh du lịch chỉ là cái “mác” để các đơn vị này gom khách bán cho các công ty du lịch lớn hưởng hoa hồng.
Còn một kiểu bán tour khác bát nháo hơn là các công ty không có giấy phép lữ hành quốc tế đi mua visa của các công ty có giấy phép lữ hành quốc tế như Tracodi, Captour… rồi sau đó họ tự tổ chức đưa khách đi nước ngoài. Trưởng phòng Lữ hành (Sở Văn hóa - thông tin - du lịch TP.HCM) Nguyễn Việt Anh cho biết: cứ kiểm tra là phát hiện có sai phạm về chức năng hoạt động, lữ hành nội địa đưa khách đi du lịch nước ngoài. Mức phạt không nhiều, chỉ trên, dưới chục triệu đồng cho một lần vi phạm nên việc tái vi phạm là điều dễ hiểu.
Ông Võ Anh Tài - chủ tịch Hội Lữ hành TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist lấy làm tiếc về “vấn nạn” này: “Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh, nhưng phải lành mạnh, không thể cạnh tranh theo chiều hướng dịch vụ cho khách ngày càng tồi tệ”.