Triệt phá kho chứa 5 tấn đường cát nhập lậu tại khu vực biên giới tỉnh An Giang Long An, Đồng Tháp: Phát hiện, ngăn chặn 2 vụ đường cát nhập lậu Tiêu hủy trên 3,6 tấn đường cát nhập lậu |
Chiều 3.1, Công an TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết đang tạm giữ lô hàng hơn 130 tấn đường nghi nhập lậu được chở từ biên giới Bình Phước giáp ranh với Campuchia theo QL 13 về Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Theo thông tin từ công an, thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, Công an TX.Bến Cát tiến hành kiểm tra các phương tiện và phát hiện 2 xe tải, 2 xe đầu kéo, kéo theo rờ moóc chở hàng hóa nghi nhập lậu, đang tập kết ở một bãi xe thuộc P.Tân Định (TX.Bến Cát).
Qua kiểm tra, công an phát hiện 4 phương tiện trên chở đầy các bao tải đường (loại 50 kg/bao), bên ngoài bao bì có in chữ nước ngoài với tổng số lượng hơn 130 tấn, trị giá khoảng 2,7 tỉ đồng.
Đường cát nhập lậu vẫn nóng tại các tỉnh phía Nam. Ảnh minh họa |
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an yêu cầu các tài xế liên hệ với chủ hàng để xuất trình hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa kể trên.
Làm việc với cơ quan công an, các tài xế xe cho biết nhận chở thuê số đường trên từ cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) khi về đến bãi xe trên địa bàn phường Tân Định (TX Bến Cát, Bình Dương), thì bị lực lượng chức năng phát hiện tạm giữ.
Tuy nhiên, đến nay những người liên quan đến lô hàng nghi nhập lậu vẫn chưa cung cấp được các giấy tờ hợp pháp nên buộc lực lượng công an tạm giữ cả hàng hóa và phương tiện để điều tra làm rõ.
Theo lực lượng chức năng, một trong những khó khăn trong việc ngăn chặn đường buôn lậu, nhập khẩu trái phép vào Việt Nam chính là do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường cát rất tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng như: Chia nhỏ, đóng bao (loại 50 kg) đường nhập lậu bằng bao bì đường Việt Nam ở bên kia biên giới rồi sử dụng giấy tờ hợp pháp tuồn sâu vào nội địa hoặc xóa hết các thông tin trên bao bì đựng đường để cơ quan chức năng không xác định được nguồn gốc xuất xứ; Tổ chức thành nhóm với đường dây chặt chẽ, thuê người theo dõi lực lượng chống buôn lậu để tìm cách đối phó; lợi dụng khu vực cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép qua biên giới; sử dụng phương tiện chuyên chở hàng đa dạng…
Các đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu đều không trực tiếp thực hiện, mà chúng thuê người làm thay, dùng lợi ích kinh tế để thu hút và gắn chặt họ vào đường dây, một số đối tượng do không có nghề nghiệp ổn định, một số đã có tiền án, tiền sự, có kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng khi bị bắt giữ gây khó khăn trong việc xử lý đối với đối tượng cầm đầu...
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, Công an các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp người dân nâng cao nhận thức, tham gia góp phần phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, chống buôn lậu đường cát nói riêng. Xem xét trang cấp thêm phương tiện, công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu.