Khánh thành Dự án cải tạo và nâng công suất Nhà máy phân đạm Hà Bắc Bộ Xây dựng lưu ý về dự án cải tạo trụ sở Bộ Tư pháp 60 Trần Phú |
Kênh A41 có chiều dài là 837,5m, gồm 2 nhánh hình chữ Y chạy qua khu phố 9 và 10, thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Đây là một trong những tuyến thoát nước quan trọng nhất cho sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như khu dân cư. Nhưng do lòng kênh bị lấn chiếm nhiều khiến việc thoát nước khó khăn. Vì thế, cải tạo kênh A41 là một việc làm cần thiết, cấp bách hiện nay.
Kênh A41 ngập đầy rác thải |
Ngập nước và ô nhiễm nặng cản trở các chuyến bay thương mại và nhà máy công nghiệp quốc phòng
Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2022, mưa lớn liên tục trút xuống TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là khu vực quận Tân Bình tạo ra nhiều điểm ngập úng cục bộ. Những người dân ở sát với kênh A41 cho biết, mỗi lần có mưa lớn là kênh A41 lại ngập nặng ở đoạn gần với đường Phan Thúc Duyện, cũng như ở đầu các đoạn cống trên các tuyến đường: Đồ Sơn, Ba Vì hay Giải Phóng.
Không chỉ xảy ra tình trạng ngập úng, tuyến kênh A41 còn là một nơi bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Nơi đây luôn ngập ngụa rác thải. Mưa lớn thì rác nổi lềnh bềnh, ùn ứ ở các miệng cống. Khi cạn nước, nơi đây sặc sụa mùi hôi thối do rác bẩn, xác động, thực vật chết phân hủy gây ra. Hằng năm, ngành hàng không dân dụng phải chi rất nhiều tiền cho việc nạo vét, khôi thông dòng chảy, nhưng tình trạng ùn ứ, ô nhiễm vẫn đâu lại vào đấy.
Công nhân hàng không vớt rác trên kênh A41 |
Những trận mưa lớn kéo dài, nước trong sân bay Tân Sơn Nhất thoát rất chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch bay thương mại. Trận mưa lớn chiều tối ngày 26/8/2016 kéo dài hơn 60 phút đã khiến bờ kênh ngập hơn 30cm, nhiều điểm trên đường băng và bãi đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất cũng ngập sâu từ 20-40cm, khiến hàng chục chuyến bay thương mại bị ảnh hưởng, nhiều chuyến phải chậm hoặc huỷ bỏ, hơn 20 chuyến bay đến phải chuyển hướng hạ cánh ở những sân bay khác. Khu vực kho hàng của sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị ngập, khiến hàng hoá nơi đây bị ướt, vận chuyển khó khăn. Mưa lớn cũng làm cho Nhà máy A41 của Quân chủng Phòng không-Không quân bị ngập nhiều chỗ, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, sửa chữa các loại máy bay. Từ đầu tháng 7/2022 đến nay, khi có mưa lớn thì tại điểm đón và trả khách trong sân bay cũng bị ngập trên 10cm. Hành khách di chuyển bằng xe buýt phải lội bì bõm để vào nhà ga.
Vì sao gây bức xúc?
Trước tình trạng trên, tháng 8/2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho Sở Giao thông vận tải khẩn trương lập Dự án cải tạo, xây dựng kênh A41. Dự án này đã được Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh phê duyệt và giao cho UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Theo đó hai nhánh đoạn từ đường Giải Phóng đến đường Phan Thúc Duyện sẽ lắp đặt cống hộp đơn thay cho kênh hở như hiện tại, còn đoạn từ Giải Phóng đến đường Út Tịch (đi qua đường Cộng Hoà) được lắp đặt cống hộp đôi. Trên mặt cống hộp sẽ kết hợp làm đường đi.
Đường đi trên cống hộp của kênh A41 có chiều rộng là 20m, trong đó lòng đường rộng 12m, vỉa hè mỗi bên là 4m. Tổng diện tích đất thu hồi của dự án là hơn 19.354 m2. Trong đó, diện tích thu hồi của các hộ dân là hơn 8.041 m2 với 142 trường hợp giải tỏa, trong đó 136 trường hợp thu hồi đất một phần, 6 trường hợp thu hồi đất hoàn toàn (3 hộ dân và 3 công trình công cộng). Tổng chi phí dự toán đầu tư của dự án là hơn 347,5 tỉ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án cải tạo, xây dựng kênh A41 sẽ được hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, do chủ đầu tư điều chỉnh lại dự án và ban đầu thiếu vốn, cùng việc nhiều người dân có ý kiến không đồng tình, khiếu kiện, nên thời gian thực hiện dự án đã bị kéo dài đến nay đã 6 năm. Quá bức xúc vì chủ đầu tư thực hiện không đúng các qui định của pháp luật, nhiều hộ dân đã có ý kiến kiến nghị và gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo lên các cấp chính quyền của địa phương trong suốt mấy tháng qua. Mặc dù các cơ quan chức năng của quận Tân Bình, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức các buổi tiếp xúc với dân để giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết thấu tình, đạt lý. Các hộ dân bị ảnh hưởng nhiều bởi Dự án cải tạo, xây dựng kênh A41 đa số là các gia đình quân nhân đã nghỉ chế độ, hoặc đang phục vụ trong quân đội, trong đó cả những gia đình liệt sĩ.
Nắn chỉnh tim kênh sai với hồ sơ gốc
Bà Lê Thị Sửa nhà ở số 124/1 Cộng Hòa dẫn chúng tôi ra kênh A41 ngay cạnh nhà mình. Trước đây, đoạn này lòng kênh rộng 8m, hành lang kênh là 7m thoát nước rất tốt, nhưng từ năm 2005 đến nay đã bị xâm lấn gần hết 3,7m lòng kênh và 7m hàng lang kênh.
Người dân bức xúc vì tim kênh bị nắn chỉnh không đúng với hồ sơ gốc. (Ảnh Sửa Lê) |
Theo hồ sơ gốc và ghi nhận thực tế của chúng tôi thì tim kênh nằm cách xa căn nhà 124/1, chỉ cách tòa nhà 7 tầng của Xí nghiệp in Tài chính có hơn 1,7m. Xí nghiệp này đã làm nhà lấn hết 7m hành lang và xuống cả lòng kênh 2,3m. Căn nhà 124/1 Cộng Hòa đã chịu quy hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh từ năm 1992 với lòng kênh là 3,7m, hành lang bảo vệ kênh là 7,3m. Tuy nhiên, Ban Quản lý Dự án cải tạo xây dựng kênh A41 lại tạo kênh mới, cắt sâu vào nhà 124/1 Cộng Hòa tính từ tim kênh vào từ 15,15-19,38m và khẳng định tim kênh nằm hiện hữu nằm trong nhà số 124/1 Cộng Hòa?
Ngày 21/6/2022, ông Trương Tấn Sơn - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cùng các đơn vị liên quan đến thực địa đào cống hộp và cho người chui xuống ống cống để xác định tim kênh.
Theo phản ánh trên báo chí, cơ quan chức năng quận Bình Tân một mực khẳng định, tim kênh hiện hữu nằm trong nhà số 124/1 Cộng Hòa. Để làm rõ thực hư điều này, ngày 20/6/2022 ông Trương Tấn Sơn – Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cùng các đơn vị liên quan đã đến xác định tim kênh. Ghi nhận tại thực địa, tim kênh nằm cách xa nhà 124/1 và chỉ cách tòa nhà 7 tầng của Xí nghiệp in Tài chính hơn 2m.
Ghi nhận thực tế là vậy, thế nhưng kết thúc buổi làm việc lại không hề có biên bản được lập theo đề nghị của người dân. “Tôi không hiểu vì lý do gì khiến họ đo vẽ lệch tim kênh về phía nhà chúng tôi, khiến phần nhà ở bị ảnh hưởng rất lớn, trong khi đối diện phía bên kia kênh là các doanh nghiệp với công trình kiên cố thì ảnh hưởng rất ít. Chúng tôi sẽ ủng hộ nếu như việc đo vẽ, thiết kế thực hiện công bằng chứ không thể “né” công trình doanh nghiệp rồi chỉnh lấn sang nhà dân, khi mà chúng tôi đã sinh sống ổn định 30 năm nay”, điều này đã khiến bà Sửa một lần nữa bức xúc phản ánh.
Ngày 21/6/2022, cơ quan chức năng đã tiến hành đào cống hộp tại vị trí 132 Cộng Hòa. Khi đào cống hộp lên, bà Sửa cùng cơ quan chức năng đã chui vào cống hộp và xác minh là cống hộp nằm ngoài nhà 124/1 Cộng Hòa và 130 Cộng Hòa. Rất may, biên bản sự việc đã được Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Tân Bình (Ban Quản lý dự án) – Chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND phường 4 và đại diện hộ dân ký xác nhận.Điều này chứng tỏ tòa nhà Công ty in tài chính đã xây lấn chiếm ra hành lang bảo vệ và lòng kênh A41, nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại 17 năm nay. Bà Lê Thị Sửa bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi tới UBND quận Tân Bình và được mời lên làm việc, nhưng vẫn chưa giải quyết được gì. Chủ đầu tư làm sai mà không chịu sửa”.
Lãnh đạo quận Tân Bình và các cơ quan chức năng đến kiểm tra thực tế tim kênh tại số nhà 124/1 Cộng Hòa. (Ảnh Kiều Anh) |
Nhà ông Nguyễn Ngọc Phan (ngụ tại số 22 Ba Vì, phường 4, quận Tân Bình) có hông đối diện với một khách sạn 7 tầng. Nhưng Dự án cải tạo, xây dựng kênh A41 lại nắn chỉnh tim kênh lệch sang nhà ông khoảng 1,5m khiến nhà ông bị thu hồi 45m2. Ông Phan lắc đầu nói: “Gia đình tôi có hồ sơ pháp lý đàng hoàng, nhưng tim kênh bị nắn chỉnh như vậy thì thật vô lý. Có phải họ làm thế để tránh gây thiệt hại cho khách sạn, hay có điều gì khuất tất ở đây?”.
Nhà bà Hồ Thị Cúc (ngụ tại 28/7 Ba Vì, phường 4, quận Tân Bình) có nhà đúc tầng kiên cố trong chủ quyền nằm ngoài dự án, đã chịu quy hoạch chừa 7m hành lang kênh từ năm 1992. Nhưng Dự án cải tạo kênh A41 vẫn cố tình cắt vào nhà vì cho rằng đây là ranh quy hoạch theo Quyết định số 150/2004/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Quyết định 150 đã được thay thế bởi Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND và có hiệu lực từ ngày 28/4/2017 nêu rõ chiều rộng bảo vệ hành lang kênh như A41 là 7m/mỗi bên. Trong Biên bản làm việc ngày 31/8/2022, của Ban Quản lý Dự án cải tạo, xây dựng khu vực Tân Bình, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Phòng Tài nguyên-môi trường quận Tân Bình và UBND Phường 4 khi đến kiểm tra, đo đạc thực tế căn nhà 28/7 Ba Vì cho thấy: Từ mép ngoài cột chịu lực đo ra là 7m vẫn đúng với phần thể hiện đất hành lang kênh trong Giấy chứng nhận chủ quyền số 2578/SXD ngày 19/3/2004. Vì vậy, dự án cần phải được điều chỉnh theo Quyết định 22 để tránh phải bồi thường quá nhiều, giảm tối đa ảnh hưởng đến hiện trạng nhà của các hộ dân.
Trên đây chỉ là 3 hộ dân điển hình bị ảnh hưởng do nắn chỉnh tim kênh của chủ đầu tư. Còn rất nhiều gia đình khác cũng bị tình trạng tương tự, khiến người dân liên tục có ý kiến, khiếu nại, tố cáo tập thể và cá nhân lên các cơ quan chức năng của quận Tân Bình và TP. Hồ Chí Minh.
(Còn nữa)