Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3) năm nay được tổ chức tại Bắc Ninh |
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho hay: Hiện hầu hết các sông ngòi, kể cả các sông chính của Việt Nam đều đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, trong đó, ô nhiễm chủ yếu ở các vùng trung và hạ lưu; khu vực tập trung đông dân cư và đặc biệt là các khu công nghiệp (KCN). Ngoài ô nhiễm nguồn nước mặt, thì nguồn nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề, như: Nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác. Những năm gần đây, nước biển Việt Nam cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm do sự ô nhiễm từ các lưu vực sông, các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm nguồn nước, như: Ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, ô nhiễm từ các KCN, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm vẫn không ngừng gia tăng cả về mức độ lẫn quy mô. Bởi thế, ngoài việc vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tái sử dụng nước… thì cần có những biện pháp quyết liệt để bảo vệ nguồn nước.
Giám sát hoạt động xả thải phải chặt chẽ |
Vì thế, giải pháp đặc biệt quan trọng là phải thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước như Luật Tài nguyên nước đã quy định. Theo đó, sẽ xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải, nghĩa là các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải... và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do nhà nước đầu tư (bao gồm phần cứng, phần mềm và đường truyền) tạo thành một hệ thống thống nhất giữa Trung ương, địa phương, thậm chí trên từng lưu vực sông. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương với các phần mềm phân tích, xử lý số liệu trực tuyến sẽ theo dõi thường xuyên, phát hiện và cảnh báo, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật.
Để tăng cường năng lực giám sát xả thải của các cơ sở sản xuất, nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng nên có chính sách để người dân tham gia quá trình giám sát hoạt động xả thải, vì người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường. Bên cạnh đó, cần có những mức xử phạt cao và hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm và gây ô nhiễm môi trường, góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường từng bước đi vào nề nếp.