Để bảo vệ công nhân, lao động trước vấn nạn “tín dụng đen”,các cấp công đoàn trong cả nước đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, công đoàn; đồng thời có nhiều hoạt động trợ giúp người lao động yên tâm sản xuất.
Thống kê trong 3 năm qua, Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện xử lý hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân. Theo Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp, qua app, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường lên tới 90 - 100% mỗi tháng, thậm chí 700 - 1.000% mỗi tháng. Trong quá trình đó, tín dụng đen sử dụng nhiều thủ đoạn để thu hồi nợ như: Đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM…
Không để “tín dụng đen” tiếp cận công nhân lao động |
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đặc biệt tại những nơi đông công nhân lao động, những địa bàn có nhiều hoạt động “tín dụng đen”, các cấp công đoàn đang phối hợp với chuyên môn tổ chức những buổi tuyên truyền riêng về chủ đề này, giúp công nhân lao động hiểu về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa…
Bên cạnh đó, công đoàn cũng sâu sát hơn trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; chủ động hỗ trợ, giúp đỡ những công nhân đang thực sự khó khăn về tài chính…
Mới đây, Công đoàn Dệt May Việt Nam có công văn số 410 về việc tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” trong công nhân lao động.
Theo đó, Công đoàn Dệt May Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn chủ động phối hợp, tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên; cần quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động như: Tiền lương, thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn như trao Mái ấm Công đoàn, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vay vốn ở những kênh chính thống với lãi suất hợp lý…
Là địa bàn đông người lao động sinh sống và làm việc, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu, các cấp công đoàn tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen” để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác; không để “tín dụng đen” tiếp cận công nhân lao động.
Với những công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động, ở những địa bàn có nhiều hoạt động “tín dụng đen”, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội yêu cầu công đoàn cần phối hợp với chuyên môn tổ chức những buổi tuyên truyền riêng về chủ đề này, giúp công nhân lao động hiểu về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa…
Cũng như Hà Nội, công đoàn nhiều đơn vị trên cả nước cũng chủ động triển khai công tác phối hợp với công an địa phương (từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) để có giải pháp cụ thể phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm “tín dụng đen”. Cán bộ công đoàn cơ sở thiết lập kênh thông tin chặt chẽ với công an địa phương để được phối hợp, hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, nhiều công đoàn đã triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động... “Hiện, tổ chức công đoàn đã phối hợp với một số công ty tài chính tiêu dùng để phối hợp với công đoàn cơ sở phát triển mạng lưới bán lẻ ở khu công nghiệp” - ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ.
Mới đây, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội chỉ đạo các cấp công đoàn Hà Nội phổ biến rộng rãi tới công nhân về gói vay 20.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai. |