CôngThương - Thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong năm 2011 và giai đoạn 2011-2015, ngày 8/7/2011, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1587/QĐ-UNBD; giao cho Sở TN&MT phối hợp với Trung tâm Khoa học và Công nghệ môi trường hoàn thành Dự án quy hoạch hệ thống bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2020; quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh, với tần suất quan trắc chất lượng môi trường nước mặt được thực hiện 3 đợt/năm, tại 70 điểm trên lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, sông Bé thuộc mạng lưới quan trắc của tỉnh.
Trước đó, UBND tỉnh cũng có Quyết định số 1469/QĐ-UBND về việc phân vùng xử lý nước thải và khí thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về ý thức môi trường, lồng ghép phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường…
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh còn 11 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện, hầu hết các nhà máy đang tiến hành cải tạo hoặc xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định, như: đối với bãi rác thị xã Đồng Xoài, lượng rác còn tồn đọng khoảng 4.000m3 đã hoai mục và phân hủy; đối với Nhà máy Chế biến cao su Quản Lợi, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long thì từ năm 2006, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý, công suất 1.500m3/ngày/đêm trong khuôn viên nhà máy. Năm 2008, hệ thống xử lý nước thải đã hoàn thành và đi vào vận hành. Nhưng do tính chất phức tạp của nước thải cao su nên nước thải sau xử lý vẫn chưa đạt quy chuẩn cho phép.
Việc triển khai đề án đã được các cấp, các ngành của tỉnh Bình Phước chú trọng thực hiện nghiêm túc. Tình hình ô nhiễm môi trường nước cục bộ trong hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh bước đầu giảm thiểu, ý thức người dân càng nâng cao, mạng lưới quan trắc và giám sát môi trường từng bước phát huy hiệu quả… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án đã gặp những khó khăn, vướng mắc như: cơ chế phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; các cơ sở sản xuất vẫn duy trì công nghệ lạc hậu dẫn tới phát sinh nhiều chất thải; nguồn nhân lực cho công tác quản lý, kiểm soát, quan trắc, thanh tra, giám sát môi trường vẫn còn thiếu…
UBND tỉnh kiến nghị, Bộ TN&MT tạo điều kiện thu hút các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho lĩnh vực môi trường; hỗ trợ kinh phí cho địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng trung tâm quan trắc và các dự án về môi trường.
Tại buổi làm việc, đại diện đoàn kiểm tra Bộ TN&MT đề nghị, UBND tỉnh Bình Phước cần quan tâm nhiều hơn nữa trong bảo vệ môi trường hiện tại cũng như tương lai bằng các động thái và lộ trình thích hợp; sớm thành lập Ban chỉ đạo đề án cấp tỉnh, giao Sở TN&MT tỉnh làm thường trực Ban chỉ đạo; phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị góp phần tích cực thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.