Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng lần thứ 16 với chủ đề "BRICS với Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn" tại Kazan, Liên bang Nga vào ngày 23 và 24/10, các trang báo Trung Quốc đã bày tỏ kỳ vọng to lớn vào kết quả của Hội nghị.
Đại biểu tham dự Diễn đàn BRICS mở rộng về Quan hệ đối tác trong Cách mạng công nghiệp mới 2024 tại Hạ Môn, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Cụ thể, vào ngày 22/10, tờ Tân Hoa Xã đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Hợp tác BRICS thêm chặt chẽ, hứa hẹn sự phát triển toàn diện”.
Trong đó, Tân Hoa Xã khẳng định, BRICS không chỉ là một cơ chế hợp tác về chính trị, kinh tế mà còn là nền tảng đa quốc gia, hướng tới các mục tiêu chung về phát triển và thịnh vượng. Sự mở rộng của BRICS đang mang đến “một nguồn năng lượng và quan điểm mới” bằng cách ưu tiên các nhu cầu và nguyện vọng của các nước Nam bán cầu.
Tờ Tân Hoa Xã viết: “Kể từ khi thành lập, BRICS đã ưu tiên đối thoại cởi mở, xây dựng sự đồng thuận và tôn trọng lẫn nhau, những nguyên tắc thiết yếu để giải quyết các thách thức toàn cầu phức tạp như biến đổi khí hậu, khủng hoảng y tế công cộng và phát triển bền vững. Khi gia đình BRICS ngày càng lớn mạnh, điều này sẽ không chỉ làm sâu sắc thêm lòng tin giữa các quốc gia thành viên, mà còn đảm bảo rằng các giải pháp BRICS có thể đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của các thành viên trong và ngoại khối.”
Theo Tân Hoa Xã, việc mở rộng BRICS không chỉ củng cố cam kết của các thành viên về tính toàn diện của tổ chức, mà còn mở rộng sự tham gia của các thành viên mới đến từ nhiều nền tảng chính trị và kinh tế khác nhau. Điều này giúp đảm bảo tiếng nói của các nước chưa được đại diện có trọng lượng hơn trong các vấn đề toàn cầu.
Tân Hoa Xã nhận định: "Trong bối cảnh thế giới ngày càng yêu cầu sự hợp tác, việc mở rộng BRICS mang lại tầm nhìn dựa trên niềm tin rằng phát triển chung và tiến bộ bền vững cần đến sự hợp tác giữa các quốc gia, bất kể quy mô lớn hay nhỏ."
Tương tự, tờ Global Times đã có bài viết: "Hội nghị BRICS mở rộng là chuyến tàu tốc hành phát triển cho các nước Nam bán cầu".
Trong bài viết, Global Times đã ví khối BRICS mở rộng như là “đầu tàu” của các nước Nam bán cầu, trong đó các nước thành viên không chỉ nắm giữ lợi thế về quy mô, mà còn về nguồn lực và tăng trưởng. Theo trang tin, sản lượng kinh tế được tính theo sức mua tương đương của các nước trong khối BRICS đã vượt qua nhóm G7, trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Global Times khẳng định: “Cơ chế hợp tác BRICS đã thiết lập một nền tảng quan trọng để các nước thành viên tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực và chia sẻ các cơ hội phát triển, và đang mở rộng hơn nữa sang các lĩnh vực tiên tiến như phát triển xanh, hàng không vũ trụ và công nghệ sinh học. Nhờ những thành tựu hiện có của BRICS, cùng với sự hợp tác mang tính hệ thống và thể chế, ngày càng nhiều quốc gia Nam bán cầu đã nhận ra rằng cơ chế BRICS là một chuyến tàu tốc hành “không thể bỏ lỡ”.
Theo Global Times, “chuyến tàu tốc hành BRICS" không chỉ mang theo hy vọng phát triển của Nam bán cầu, mà còn đóng vai trò nòng cốt trong việc duy trì và bảo vệ chủ nghĩa đa phương. "Là đầu tàu của Nam bán cầu và là động lực phục hồi kinh tế thế giới, hội nghị BRICS mở rộng đang có sức ảnh hưởng ngày càng sâu rộng, thu hút ngày càng nhiều sự chú ý." - Trang báo viết.
Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật Báo vừa qua cũng đã đăng tải một bài phỏng vấn với đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui. Trong bài phỏng vấn, đại sứ Zhang khẳng định, sự hợp tác mở rộng của BRICS sẽ đóng góp nhiều hơn vào việc cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu.
Đại sứ Zhang chia sẻ: “Khi cơ chế BRICS bước vào kỷ nguyên mới của sự hợp tác lớn hơn, các thành viên BRICS sẽ tiếp tục theo đuổi quá trình hiện đại hóa cùng nhau, đóng góp nhiều hơn vào việc cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu và đưa ra "các giải pháp BRICS" cho những chuyển đổi lớn đang diễn ra trên toàn thế giới”.
Đồng thời, theo đại sứ Zhang, trong bối cảnh các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển dần có vị thế trên toàn cầu, BRICS cũng trở nên mạnh mẽ hơn, có ảnh hưởng hơn và nhiều tiềm năng với sự mở rộng gần đây.
Khẳng định vai trò của Trung Quốc tại hội nghị BRICS lần này, đại sứ Zhang nói: "Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên của khối BRICS mở rộng để xây dựng một quan hệ đối tác toàn diện hơn, chặt chẽ hơn, thiết thực hơn và chất lượng cao hơn để chúng ta cùng nhau bắt đầu một hành trình mới cho BRICS".
Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch BRICS năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng tại Kazan (Nga) từ ngày 23-24/10. Tại hội nghị ở Kazan, Nga sẽ đón hơn 30 phái đoàn của các quốc gia, trong đó có 24 nhà lãnh đạo cấp cao. Hợp tác của BRICS dựa trên 3 trụ cột, gồm hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân. Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng là cơ chế dành cho những nước không phải thành viên nhóm, tham dự với tư cách khách mời. Việt Nam và Nga xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2012. Hồi tháng 6, Tổng thống Putin đã thăm cấp nhà nước Việt Nam. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là hạ tầng, năng lượng. |