Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã lựa chọn nội dung và phương pháp tổ chức linh hoạt, trong phạm vi và khuôn khổ phù hợp, đi vào chiều sâu theo hướng "diễn giải văn hóa". Bảo tàng đặc biệt đề cao, chú trọng việc chấp hành và thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 theo nguyên tắc 5K, đảm bảo chương trình họat động vui xuân an toàn và hiệu quả.
Chương trình vui xuân an toàn và hiệu quả được Bảo tàng Dân tộc học đặc biệt chú trọng |
Theo đó, chương trình Vui xuân Tân Sửu năm nay, du khách sẽ bất ngờ với các góc check – in độc đáo, mới lạ, lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng. Ngay cổng vào khu nhà Việt, khách tham quan được sống lại không gian vùng quê Bắc bộ với dậu dâm bụt xanh tươi, giếng nước khơi trong, cây rơm vàng óng, nón lá vẽ hình con trâu cùng mô hình chú trâu tái tạo tỉ lệ 1:1, được trang trí họa tiết miêu tả Tết ông Công ông Táo, lễ hội rước đèn lồng,… mang đường nét và màu sắc sinh động, bắt mắt.
Tiếp đó, trong không gian sân nhà Việt, bằng những chất liệu dân gian: mẹt tre vẽ trang trí hình con trâu và người nông dân, đôi quang gánh, nông cụ, khuông mạ xanh gieo trên sân đang chờ ngày ra ruộng cấy… được bài trí, sắp đặt tạo một không gian vừa quen, vừa lạ đem lại trải nghiệm khó quên dịp đầu xuân năm mới. Bên cạnh đó, khách tham quan sẽ được tìm hiểu ý nghĩa về tranh dân gian Đông Hồ; đặc biệt là tranh mục đồng thổi sáo, chăn trâu thả diều, chọi trâu,...
Tết ông Công, ông Táo được tái hiện tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam |
Ngoài ra, khách tham quan còn có cơ hội làm những chú trâu ngộ nghĩnh, lọ hoa, hộp bút hình hình con trâu sinh động, đầy sắc màu từ các vật liệu phế thải. Đây là hoạt động không chỉ thể hiện sự khéo léo, khả năng sáng tạo mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp và hạn chế rác thải nhựa.
Cùng với các hoạt động trải nghiệm, khách tham quan sẽ được thưởng thức chương trình rối nước dân gian đặc sắc do phường rối nước Đồng Ngư ở Thuận Thành, Bắc Ninh trình diễn tại khu Thủy đình. Các trò chơi dân gian ngày Tết của một số vùng miền cũng được tổ chức trong không gian xanh tại Bảo tàng như: chọi trâu, húc trâu, kéo co, chơi quay, đẩy gậy, nhảy bao bố, bắt chạch trong chum,… sẽ mang đến những giây phút hứng khởi cho khách tham quan vào dịp đầu xuân.
Đặc biệt, chương trình “Khám phá Tết Việt” với cách thức tổ chức mới dành cho khách đặt trước với số lượng hạn chế. Trong chương trình này, khách tham quan được hướng dẫn viên giới thiệu, khám phá không gian linh thiêng ngày tết của người Việt, tìm hiểu văn hóa 54 dân tộc Việt Nam, hóa thân thành nghệ nhân làm các loại bánh truyền thống, thử tài khéo tay làm đồ chơi, chơi trò chơi dân gian và thưởng thức ẩm thực dân tộc.
Hoạt động trình diễn văn hóa dân gian |
Bà An Thu Trà – thành viên Ban tổ chức cho biết: Để du khách Thủ đô có một địa điểm vui chơi an toàn trong dịp Tết Nguyên đán, Bảo tàng đã thay đổi cách thức tổ chức chương trình. Chương trình diễn ra trong vòng 7 ngày (từ mồng 4 -10 Tết) thay vì 2 ngày như trước đây. Số lượng người phục vụ như cán bộ Bảo tàng, tình nguyện viên, nghệ nhân hạn chế tối đa. Nội dung các hoạt động trình diễn giảm thiểu và bố trí ở những địa điểm cách xa nhau. Chúng tôi chú ý đến việc tạo ra các hoạt động tăng cường hình thức tự chơi để du khách có cơ hội chủ động, sáng tạo khám phá văn hóa theo cách riêng.
Ngoài ra, theo bà Trà các quy định về phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc. Từ cổng vào, du khách đã phải tuân thủ đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khử khuẩn. Tại những nơi như quầy bán vé, cổng Bảo tàng hay một số điểm hoạt động, chúng tôi đều có nhân việc nhắc nhở cũng như dùng các ký hiệu yêu cầu về giãn cách. "Chúng tôi mong muốn du khách tham gia chương trình sẽ phối hợp tốt với Bảo tàng trong công tác phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho mỗi cá nhân và cộng đồng"- bà Trà cho hay.