Ứng phó bão số 3 Yagi: Triển khai các biện pháp sơ tán, đảm bảo an toàn cho khách du lịch Siêu bão Yagi giật trên cấp 17, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp khẩn với các tỉnh, thành |
Dự báo từ đêm 6/9, vùng biển tỉnh Nam Định sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, giật cấp 13, biển động dữ dội.
Từ sáng 7/9, các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, thành phố Nam Định có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6; từ trưa và chiều 7/9 gió mạnh dần lên cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Tại vùng ven biển, từ sáng sớm 7/9 có gió mạnh cấp 5, cấp 6; từ trưa và chiều 7/9 gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Vùng biển của tỉnh độ cao sóng từ 2-4m, sau tăng lên 4-6m, vùng gần tâm bão đi qua có thể đạt 5-7m, biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Lãnh đạo thành phố Nam Định kiểm tra công tác phòng chống bão. Ảnh: Thành Trung |
Từ 7 giờ ngày 6/9, tỉnh Nam Định sẽ tổ chức cấm biển theo quy định. Dự kiến, các địa phương sẽ sơ tán toàn bộ 734 lao động tại các lều, chòi trông coi thủy sản, các lao động trên các lồng bè nuôi thủy sản vào trong đê, quyết tâm hoàn thành việc sơ tán trước khi bão đổ bộ. Với tinh thần chủ động phòng, chống bão số 3, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tập kết trên các tuyến đê biển 12.488m3 đá hộc, 727m3 đá thu gom, 216m3 cấu kiện thu gom, 1.201 rọ thép, 483.800 bao nilon, 22.216m2 vải lọc, 67.967m2 vải bạt chống sóng và 9.742 cấu kiện bê tông.
Chiều 5/9, Đoàn kiểm tra của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định đã đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 3 năm 2024 tại một số trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Đoàn kiểm tra đã đi kiểm tra tại: Trạm bơm Kênh Gia, phường Năng Tĩnh; khu vực nhà 5 tầng số 2, đường Trần Đăng Ninh, phường Cửa Bắc; khu nhà ở ngõ 181 và ngõ 207 đường Hoàng Văn Thụ, phường Trần Hưng Đạo; Trạm bơm Quán Chuột, xã Mỹ Tân và cống Trạm bơm Tân Đệ, xã Mỹ Tân.
Qua kiểm tra, nắm tình hình thực tế, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố yêu cầu các địa phương và đơn vị quản lý công trình cần chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần theo đúng phương châm “4 tại chỗ"; bố trí lực lượng ứng trực, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng không để bị động, bất ngờ khi sự cố xảy ra.
Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, thông tin diễn biến của mưa, bão, lũ kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả để đảm bảo an toàn, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra. Yêu cầu các phường, xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân nắm được tình hình, mức nguy hiểm, diễn biến của cơn bão số 3, chủ động các phương án di dời đến nơi ở an toàn; chằng, chống nhà cửa, tài sản… giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão.
Yêu cầu các đơn vị, phường, xã phân công nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp chủ động xuống cơ sở cùng địa phương ứng trực, xử lý khi có tình huống xảy ra. Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ phương án hộ đê toàn tuyến, phương án di dời dân vùng bối, phương án chống úng bảo vệ sản xuất, phương án chống lụt đô thị, phương án cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng vận hành khi có tình huống thiên tai xảy ra. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, thông tin diễn biến của mưa, bão, lũ để kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.