Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đang là thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập
CôngThương - Tại Cần Thơ, một bộ phim, chương trình ca nhạc được sao chép và bán với giá 5.000-10.000 đồng/đĩa DVD, CD. Thậm chí người vi phạm còn nén nhiều tác phẩm vào một đĩa DVD, CD với chi phí rất thấp để bán công khai trên thị trường. Còn với tranh ảnh, tác phẩm văn học chỉ cần số hóa tác phẩm là có thể lan truyền rộng rãi trên internet chỉ từ lệnh copy và past… Một số nhà xuất bản, vì lợi nhuận đã cấp phép cho ấn phẩm tập hợp các bài viết câu khách đăng trên báo mạng…
Thực trạng vi phạm QTG, QLQ ngày càng tăng theo Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - VH-TT&DL) một phần là do lượng thực thi bảo hộ QTG, QLQ quá mỏng. Hiện hầu hết các địa phương lực lượng thực thi đa phần là kiêm nhiệm. Mỏng về số lượng lại kém về chuyên môn nên lúng túng trong quá trình áp dụng quy định pháp luật cũng như các biện pháp kỹ thuật để củng cố các chứng cứ xác minh, kết luận hành vi vi phạm. Mặc khác, quy định pháp luật mới dừng lại ở một hành vi chung chung nên khó xử lý vi phạm, và các quy định về QTG, QLQ lại do nhiều văn bản luật quy định nên lực lượng thực thi khó cập nhật, tìm hiểu, thống nhất. Bất cập là đến nay vẫn chưa có tổ chức giám định và chưa cấp thẻ cho giám định viên. Theo đại diện Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, khi có tranh chấp về bản quyền, tòa án không thể thành lập được hội đồng chuyên môn để xác định mức bồi thường thiệt hại. Do vậy, tác giả chưa tin vào khả năng xử lý của cấp có thẩm quyền, nên ngại khiếu nại, kiện tụng, sợ mất thời gian.
Ông Vũ Ngọc Hoan- Phó Cục trưởng Cục Bản quyền: Chúng ta đang đứng trước một thách thức lớn, đó là bảo hộ QTG, QLQ trên môi trường số và internet. Cần phải điều chỉnh các văn bản luật cho phù hợp, nhằm đủ sức răn đe, thực thi có hiệu quả hơn. Cuối cùng là phải có lực lượng thực thi đủ mạnh, về con người và thiết chế. |
Ngoài ra, theo Cục Bản quyền, hiện 4 tổ chức quản lý tập thể quyền phát triển độc lập là Trung tâm Bảo vệ QTG âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm QTG văn học Việt Nam và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cũng không tạo được mối liên kết trong hoạt động. Riêng chế độ nhuận bút thì lạc hậu so với thời giá hiện nay với việc biểu giá áp dụng vẫn dựa vào Nghị định 61/2002/NĐ-CP. Việc quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao đối với QTG trong Luật Sở hữu trí tuệ chưa hợp lý, trái với nguyên tắc thỏa thuận dân sự. Vì thế, đã đẩy tác giả, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào thế bị động, không còn quyền thương lượng, thỏa thuận.
QTG, QLQ là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Với đối tượng được bảo hộ này, Việt Nam đã ký kết hiệp định song phương với Chính phủ Hoa Kỳ và Thụy Sĩ và tham gia 5 điều ước quốc tế. Do vậy, Việt Nam phải tiến hành hàng loạt các thay đổi về chính sách và pháp luật để tuân thủ nguyên tắc, quy định và cam kết trong các điều ước quốc tế về QTG, QLQ. Hiện Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và quyền sở hữu trí tuệ trong TTP đề cập đến tất cả nội dung nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ… Vì thế, “yêu cầu chặt chẽ về sở hữu trí tuệ đang là thách thức rất lớn đối với Việt Nam”- ông Vũ Ngọc Hoan- Phó Cục trưởng Cục Bản quyền- nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thực hiện bảo hộ QTG, QLQ trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, nhiếp ảnh, âm nhạc, tạo hình, phát thanh, truyền hình, kiến trúc đến các chương trình máy tính thời kỳ hội nhập, ông Hoan cho rằng, phải nâng cao nhận thức, ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về QTG, QLQ đối với công chúng, doanh nghiệp.