CôngThương - Thực tế sau một thời gian áp dụng cho thấy những bất cập trong việc thực hiện khung phạt tiền hành chính theo giá trị hàng hóa vi phạm đối với một số hành vi xâm phạm quyền sao chép và phân phối tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, bản định hình chương trình phát sóng, theo Nghị định 47/2009/NĐ-CP và Nghị định số 109/2011/NĐ-CP. Do đó, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP đã thiết kế khung tiền phạt dựa vào hành vi vi phạm mà không dựa vào giá trị hàng hóa vi phạm như 2 Nghị định trước đây.
Cụ thể, quyền sao chép tác phẩm, quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là một trong những quyền tài sản mà chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Phạt tiền từ 15 đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Một điểm mới cơ bản của Nghị định 131/2013/NĐ-CP là trước đây mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định cũ là 500 triệu đồng áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức, nay mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Quy định này sẽ làm cho Nghị định 131/2013/NĐ-CP có tính khả thi cao hơn.
Ngoài ra, Nghị định 131/2013/NĐ-CP cũng có nhiều điều chỉnh đáng lưu ý khác.
Biểu diễn tác phẩm không được phép của tác giả sẽ bị phạt nặng
Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là một trong những quyền tài sản mà chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là quyền do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.
Do đó, theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, việc biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả cũng là hành vi vi phạm và có thể bị xử phạt tối đa đến 10 triệu đồng.
Trường hợp biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Đối với vi phạm trong phát sóng hoạt động biểu diễn, Nghị định 131/2013/NĐ-CP cũng đã đưa ra mức phạt lên đến 40 triệu đồng hành vi phát sóng hoặc truyền theo cách khác (bằng bất kỳ phương tiện nào ngoài phát sóng) đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng.
Nghị định số 131/2013/NĐ-CP cũng quy định mức phạt với một số hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực này như: không nêu tên hoặc nêu không đúng tên người biểu diễn trên bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; mạo danh người biểu diễn để biểu diễn tác phẩm…
Bên cạnh hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc buộc sửa lại đúng tên người biểu diễn; buộc dỡ bỏ bản sao cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Phải cải chính thông tin khi xuyên tạc tác phẩm của người khác
Bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả là một trong những quyền nhân thân mà tác giả được hưởng theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Và Nghị định 131/2013/NĐ-CP đã quy định “Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật; buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu huỷ tang vật vi phạm.
Một vi phạm khác về quyền nhân thân của tác giả là việc sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định mới cũng sẽ bị phạt tiền tối đa đến 3 triệu đồng. Đồng thời phải sửa lại đúng tên tác giả, tác phẩm.
Sử dụng bản ghi âm, ghi hình, phải trả tiền cho chủ sở hữu
Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quyền độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Do đó, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định “Phạt tiền từ 10 triệuđồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình”.
Tuy nhiên, một số trường hợp sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhưng không phải xin phép thì phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu.
Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ quảng cáo hay không có tài trợ quảng cáo, sử dụng trong hoạt động kinh doanh thương mại đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng.
Trong trường hợp sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại nhưng không trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định các mức phạt cụ thể như sau: Sử dụng nhằm mục đích thương mại trong nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, cửa hàng, siêu thị: Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng; Sử dụng nhằm mục đích thương mại để phát sóng; trong lĩnh vực hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh thương mại khác: Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng. Sử dụng nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số: Phạt tiền từ 15 đến 25 triệu đồng.
Có thể nói, với một số sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn, Nghị định 131/2013/NĐ-CP sẽ mang lại tính khả thi cao hơn, tạo dư luận xã hội quan tâm hơn nữa vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng còn mới mẻ và rất phức tạp tại Việt Nam.
Nghị định sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để Thanh tra và các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác và sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam, từ đó phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
Nghị định này cũng sẽ có những tác động tích cực đối với việc đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của tác giả, nhà sáng tạo, nhà đầu tư; tạo động lực để họ cống hiến trí tuệ,sức lao động và kỹ năng nghề nghiệp vào hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, phổ biến các giá trị này tới công chúng thụ hưởng.