SHTT có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) cũng như phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chú trọng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm |
Trong thời đại KH&CN phát triển như vũ bão hiện nay, các quốc gia đều thừa nhận SHTT là một công cụ đắc lực, thúc đẩy sự phát triển của nền KH&CN và kinh tế thị trường. Bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động ĐMST, bảo đảm việc phổ biến tiến bộ KH&CN vào mục đích phát triển KTXH.
Ở đây, các đối tượng sáng tạo kỹ thuật là nhân tố quyết định trình độ công nghệ, do đó quyết định trình độ phát triển và cạnh tranh của cả một nền kinh tế. Trong những đối tượng đó, các sáng chế được coi là tiêu biểu. Tương tự như các đối tượng sáng tạo kỹ thuật, các dấu hiệu thương mại (nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng sản phẩm…) cũng đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng vị trí cạnh tranh và muốn bảo hộ, cải thiện lợi thế trên thị trường, mọi doanh nghiệp bắt buộc phải chăm lo đến các dấu hiệu vốn là đại diện cho lợi thế đó.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT – Bộ Khoa học và Công nghệ |
Chính vì vậy, vai trò quan trọng của hệ thống bảo hộ SHTT chính là thiết lập một cơ chế cân bằng lợi ích giữa người nắm giữ quyền SHTT và xã hội, trong đó bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến quyền SHTT của chủ thể cũng bị ngăn chặn và xử lý. Vì vậy, bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào không có hệ thống SHTT thì có thể bị rơi vào tình trạng cạnh tranh hỗn loạn, thiếu lành mạnh và không có năng lực công nghệ nội sinh.
Việc hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ cho các đối tượng SHTT mới được tạo ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực AI, IoT, in 3D… đang là một thách thức không nhỏ. Ông nghĩ sao về điều đó?
Các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống SHTT là phải được vận hành hiệu quả, kiến tạo cho ĐMST, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển KTXH.
Muốn vậy, cần hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT cũng như năng lực của cơ quan SHTT trong việc xử lý đơn đăng ký các đối tượng mới; thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở quy mô khu vực và toàn cầu, bởi nhiều vấn đề SHTT đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia.
Bên cạnh đó, việc thực thi quyền SHTT trong môi trường số khó khăn hơn, vì vậy các chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa không ngăn cản sự phát triển của KH&CN, vừa đảm bảo được an ninh, bảo mật và đảm bảo quyền SHTT được bảo hộ thỏa đáng.
Để phát huy hơn nữa vai trò của SHTT đối với phát triển kinh tế, xin ông cho biết các chính sách, giải pháp đã và đang thực hiện?
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược SHTT đến năm 2030 với kỳ vọng Việt Nam sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động ĐMST, phổ biến và hơn thế nữa có thể thương mại hóa sản phẩm sáng tạo, qua đó làm giàu tài sản trí tuệ.
Nhiều biện pháp đã được Cục SHTT triển khai như: Thúc đẩy thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; xây dựng, quản lý và tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp nhằm phục vụ các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, pháp luật về SHTT, tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tạo lập, đăng ký xác lập quyền, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ… góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để Việt Nam có nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích hơn cũng như tăng cường bảo hộ quyền SHTT, cần sự chung tay, chung sức của tất cả các chủ thể, nâng cao nhận thức về vai trò của SHTT trong ĐMST, hình thành văn hóa SHTT trong toàn xã hội. Các chủ thể sáng tạo cần nâng cao năng lực sử dụng công cụ SHTT vào hoạt động nghiên cứu triển khai. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng quyền SHTT…
Xin cảm ơn ông!
Chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030 với mục tiêu quan trọng là đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT. |