Gần 12 triệu người lao động được nhận hỗ trợ
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ Quỹ BHTN, đến nay, cả nước đã hỗ trợ bằng tiền cho hơn 11,77 triệu NLĐ với tổng số tiền 28.000 tỷ đồng. Giảm mức đóng cho hơn 363.600 đơn vị SDLĐ, tương ứng với 9,68 triệu NLĐ và số tiền tạm tính điều chỉnh giảm đóng vào quỹ BHTN lên tới 7.595 tỷ đồng.
Đồng thời, đến nay, cả nước đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 805 đơn vị với 152.068 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.065,4 tỷ đồng tại 57 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, đã xác nhận danh sách cho 2.475.153 lao động của 64.945 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 63 tỉnh, thành phố.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu gói 30.000 tỷ tới người lao động |
Trong đó, hơn 1,7 triệu lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của hơn 58.000 đơn vị; hơn 470.000 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của hơn 4.800 đơn vị; 3.600 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 32 đơn vị; hơn 75.900 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 987 đơn vị, được người SDLĐ vay vốn trả lương ngừng việc; 126.157 NLĐ được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người SDLĐ phải tạm dừng hoạt động) của 338 đơn vị; 32.202 NLĐ được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người SDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 208 đơn vị.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho biết, để có được kết quả này các cơ sở đã triển khai chính sách hỗ trợ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dữ liệu, quy trình, phương thức… Dựa vào những mục định trên có thể thấy, ngành BHXH Việt Nam đã đi đúng hướng ngay từ khi triển khai với nguồn dữ liệu chuẩn và phương thức chi trả trực tiếp vào tài khoản của NLĐ. Đặc biệt, “việc đăng ký nhận hỗ trợ thông qua ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam - đây được coi là điểm nhấn quan trọng trong triển khai chính sách này đạt hiệu quả” - Ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.
Rà soát, hỗ trợ kịp thời
Đồng thời, nhiều chuyên gia cũng nhận định, các chính sách hỗ trợ rất kịp thời, thiết thực và thuận lợi hơn cho NLĐ và chủ SDLĐ khi tiếp cận. Nghị quyết 116 cũng cho phép doanh nghiệp giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp từ 1% xuống 0% là rất hợp lý và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Trong dài hạn, việc khuyến khích NLĐ tham gia đóng BHXH là một điều vô cùng quan trọng. Càng nhiều người tham gia quỹ BHXH, sẽ càng có nguồn lực để chia sẻ rủi ro với người mất việc, nhất là trong mùa dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo báo cáo Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, tỷ lệ lao động phi chính thức đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây, với tỷ lệ 57,4%. Có thể thấy, hàng chục triệu NLĐ được coi là lao động phi chính thức. các chính sách hỗ trợ vẫn chưa được bao phủ được hết, vẫn còn một số lượng khá lớn lao động phi chính thức chưa tiếp cận được hoặc tiếp cận chậm với chính sách.
Về điều này, các chuyên gia cũng lưu ý, công tác rà soát, thống kê giữ vai trò rất quan trọng, giúp người dân tiếp cận chính sách dễ dàng, thuận tiện hơn, dẫn chứng từ việc những người được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116. Trong đó, ngành BHXH Việt Nam đã có đầy đủ thông tin trong cơ sở dữ liệu và được hỗ trợ nhanh chóng. Do đó, có thể thấy, khi số hóa công tác quản lý lao động, có thể giải quyết chính sách rất nhanh và giảm chi phí rà soát - đây chính là yếu tố giúp sử dụng hiệu quả các quỹ hỗ trợ cho NLĐ.
Theo đó, hiện nay, BHXH Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố chủ động rà soát các trường hợp đang bảo lưu thời gian tham gia BHTN, thông báo đến tận từng xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố về thời hạn nộp hồ sơ, thủ tục nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP để NLĐ biết và liên hệ với cơ quan BHXH giải quyết.
BHXH các tỉnh, thành phố cũng đang tích cực phối hợp, đôn đốc các đơn vị SDLĐ còn lại gửi danh sách cập nhật đúng, đủ thông tin của NLĐ trước ngày 30/11/2021. Đồng thời, chủ động tuyên truyền bằng nhiều kênh khác nhau, để NLĐ đang còn thời gian bảo lưu đóng BHTN chủ động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ.