Hiện tại tỉnh Quảng Ninh có khoảng hơn 30% lao động tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội, cùng hàng loạt các ngành nghề khác như vận tải, nhà hàng, khách sạn… cũng bị ảnh hưởng theo.
Tính đến cuối tháng 11/2020, trên địa bàn tỉnh có 1.225 doanh nghiệp, với 12.763 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Nợ BHXH từ 3 tháng trở lên tăng cao (gần 197 tỷ đồng), ảnh hưởng đến gần 15.000 lao động. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, số lao động mất việc làm tăng, đã làm ảnh hưởng đến số thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và giải quyết chính sách cho người lao động của BHXH tỉnh Quảng Ninh.
Nhờ việc tuyên truyền, phổ biến hiệu quả kiến thức về BHXH, nhận thức về quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT của người lao động ngày càng được nâng lên |
Tuy nhiên, xét về tổng quan, BHXH tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt được nhiều kết quả tốt nhờ việc tăng cường tuyên truyền rộng rãi đến mọi người, thông qua Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh cung cấp kịp thời các tin, bài định hướng lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Tính đến hết tháng 10, toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 247.000 người tham gia BHXH, đạt 38,4% so với lực lượng lao động. Trong đó, có hơn 235.000 người tham gia BHXH bắt buộc (giảm gần 5.000 người so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 92,8% kế hoạch được giao); 13.265 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 2.420 người so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 60,7% kế hoạch).
Đáng chú ý, toàn tỉnh đã có 1.241.641 người tham gia BHYT, tăng 26.930 người so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 101,3% kế hoạch. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 94% dân số.
Có được kết quả trên là nhờ việc tăng cường triển khai tuyên truyền, điển hình như, BHXH tỉnh đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung tuyên truyền hướng tới đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bằng nhiều hình thức như: cấp phát tờ rơi tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho công nhân lao động, tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động, người lao động khi tham gia BHXH, BHYT; tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với chủ doanh nghiệp, công nhân lao động tại các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công ty than. Qua đó nhận thức về quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT của người lao động ngày càng được nâng lên.
Ngoài ra, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến tư vấn, hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp và NLĐ khó khăn do dịch Covid-19 tại 14 điểm cầu trong tỉnh. Đồng thời phối hợp với các LĐLĐ cấp huyện, ngành cùng với chính quyền, chuyên môn cùng cấp tổ chức 6 hội nghị giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.
Hội nghị tuyên truyền phổ biến, đối thoại, tư vấn chính sách pháp luật về BHXH, BHYT cho hơn 200 đại biểu là cán bộ, thành viên và người lao động trong các HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh |
Gần đây nhất, trong 2 ngày 7, 8/12, BHXH Việt Nam phối hợp với Liên minh hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến, đối thoại, tư vấn chính sách pháp luật về BHXH, BHYT cho hơn 400 đại biểu là cán bộ, thành viên và người lao động trong các HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thông qua hội nghị đã phát triển được 6 người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Ở thời điểm xảy ra dịch, các giải pháp tích cực nhằm tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được BHXH tỉnh Quảng Ninh triển khai là: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách TTHC, giao dịch điện tử; truyên truyền vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện qua điện thoại, ứng dụng mạng xã hội…
Đặc biệt, với việc ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số được đưa vào sử dụng đã giúp người tham gia BHXH, nhất là tham gia BHXH tự nguyện, có thể trực tiếp sử dụng các dịch vụ theo cách đơn giản nhất. Việc ghi danh, thanh toán được thực hiện trên ứng dụng BHXH số này, từ người dân không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH.
Năm 2021, BHXH tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung thu BHXH, BHYT, BHTN và đẩy mạnh công tác khai thác mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động và các đơn vị để nợ đọng BHXH, BHYT; tổ chức đối thoại đối với doanh nghiệp để có phương án xử lý hiệu quả, góp phần hoàn thành kế hoạch năm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm đến từng nhóm đối tượng, để người dân hiểu về tính ưu việt của chính sách, từ đó tự nguyện tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng kiên quyết đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.
Tổng số thu trong 10 tháng năm 2020 của BHXH tỉnh Quảng Ninh đạt 4.713 tỷ đồng, tăng 282 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 78,9% kế hoạch. Đồng thời, BHXH tỉnh đã giải quyết cho 12.644 người hưởng các chế độ BHXH. Ước chi khám chữa bệnh BHYT 10 tháng năm 2020 là 1.384 tỷ đồng, giảm 105 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 83% dự toán chi năm 2020. |