Bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà |
Để phù hợp với tình hình thực tiễn, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả điều hành hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng bền vững.
Trong năm 2022, tỉnh Bắc Giang được giao chỉ tiêu giao phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện là 40.107 người, tăng 135% so với năm 2021. Tính đến hết 30/4/2022, toàn tỉnh có 29.657 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 73,94% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, giảm 726 người so với tháng 12/2021.
Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai “Tháng cao điểm vận động nhân dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện”; đồng thời, tham mưu tổ chức Lễ phát động và phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện “Tháng cao điểm” tại các huyện, thành phố... từ đó, lan tỏa, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt của Bảo hiểm xã hội tỉnh sau gần một tháng triển khai, thực hiện “Tháng cao điểm”, nhận thức của người dân về Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có chuyển biến tích cực, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh.
Tuyên truyền người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế |
Tính đến hết tháng 5/2022, trên địa bàn đã có 3.611 người tham gia mới, đạt 124,5 kế hoạch tháng cao điểm. Các huyện, thành phố hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch, một số huyện đạt kết quả cao như: Việt Yên vận động được 601 người, đạt 158,16%; Lục Ngạn đạt vận động được 488 người, đạt 145,6%; Yên Dũng đạt vận động được 363 người, đạt 136,98%…
Với đặc thù là ngành có nhiều hoạt động giao dịch với người dân, đơn vị, doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng luôn xác định lấy người dân, đơn vị, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Những năm qua, Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng đã nỗ lực trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ. Việc xây dựng thành công hệ thống Bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả đã tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế góp phần đem đến sự hài lòng cho nhân dân.
Bảo hiểm xã hội Hải Phòng đã chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ thành phố đến cấp huyện và tại Trung tâm Hành chính công. Đơn vị cũng công khai, minh bạch thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội thành phố; niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội thành phố và 15/15 Bảo hiểm xã hội các quận, huyện; đảm bảo các đơn vị, cá nhân đều dễ dàng tiếp cận.
Trong năm 2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW và gặt hái được nhiều thành công, góp phần tạo nền tảng phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phát triển, mở rộng nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình hiệu quả, trung bình mỗi năm tăng trưởng từ 2- 3%.
Từ thực tế địa phương, ông Trần Anh Tuấn- Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Tràng Định (Lạng Sơn) cho biết, để hoàn thành tốt mục tiêu, Bảo hiểm xã hội huyện đã phối hợp với UBND các xã và Bưu điện huyện mở rộng mạng lưới đại lý thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Đồng thời bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ cộng tác viên, nhân viên đại lý thu, thông qua lực lượng này đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình. Đến nay, toàn huyện có 3.819 người tham gia Bảo hiểm xã hội, trong đó 2.788 người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, 1.031 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Sự chủ động, linh hoạt trong công tác tuyên truyền đã giúp huyện Tràng Định tăng nhanh số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn Lạng Sơn. Nếu như năm 2018, toàn tỉnh Lạng Sơn có 57.241 người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc và 3.562 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; đến năm 2021 đã có 65.348 người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc và 12.906 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Riêng về Bảo hiểm y tế, năm 2018, toàn tỉnh có 743.650 người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 94,3% dân số; đến năm 2021 Bảo hiểm xã hội tỉnh đã cố gắng giữ mức 683.025 người tham gia Bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số. Nguyên nhân tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế giảm do nhiều yếu tố khách quan, trong đó có việc thực hiện theo Quyết định 861/QĐ-TTg khiến nhiều người không còn thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí tham gia Bảo hiểm y tế.
Công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.666 đơn vị đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội, đạt 97,8%. Các đơn vị chưa thực hiện đăng ký giao dịch điện tử chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, sử dụng ít lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn, phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW đã được Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội các huyện hưởng ứng và thực hiện. Thông qua phong trào này, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, được biểu dương, khen thưởng, góp phần xây dựng những nhân tố điển hình cho Ngành. Việc triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW đã đem lại những chuyển biến tích cực trong thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, tỷ lệ đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm thất nghiệp vẫn tăng thấp so với kỳ vọng. Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền đồng bộ hơn nữa, nhằm thực hiện hiệu quả chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, hướng tới hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.