Doanh nghiệp chưa mặn mà với bảo hiểm XK.
CôngThương - Đến nay, qua hơn một năm triển khai chương trình, theo thống kê từ 7 DN bảo hiểm được chọn thí điểm, số hợp đồng bảo hiểm và doanh thu đem lại từ loại hình bảo hiểm này vẫn chỉ đạt ở mức quá khiêm tốn. Trong đó, Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam thực hiện được vài hợp đồng với doanh thu đạt khoảng 200 nghìn USD và Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC) đạt khoảng 100 nghìn USD, còn lại các công ty bảo hiểm khác chưa thực hiện được hợp đồng nào hoặc đang trong quá trình thương thảo hợp đồng.
Nhìn nhận vấn đề này, nhiều chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, nhiều DN xuất khẩu Việt Nam quan niệm mua BHTDXK sẽ làm tăng chi phí, dẫn đến tăng giá thành hàng hóa xuất khẩu. Mặt khác, họ chưa nhận thức được quyền lợi của mình nếu tham gia BHTDXK nên chưa hình thành thói quen và nhu cầu đối với loại hình bảo hiểm này. Do vậy, các DN xác định mua BHTDXK là chưa cần thiết.
Ông Lê Quang Trung– Phó tổng giám đốc Công ty UIC - cho biết, loại hình bảo hiểm này trên thế giới đã có từ lâu, nhưng tại Việt Nam, đây lại là sản phẩm bảo hiểm khá mới mẻ, cho nên nhận thức về BHTDXK của các DN Việt Nam chưa cao, có phần không quan tâm. Mặc dù nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm là 20%, nhưng phần còn lại là 80% cũng là một vấn đề lớn đối với DN, bởi đặc thù của loại hình bảo hiểm này là phí rất cao, nếu mua bảo hiểm thì giá thành sản phẩm lại đội lên. “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề tuyên truyền về vấn đề này đến các DN. Tuy nhiên, thực tế sau hội thảo không có một DN nào liên hệ lại với chúng tôi để được tư vấn” - ông Trung nói.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, thông thường, DN xuất khẩu thủy sản chế biến và bán theo giá của nhà nhập khẩu, (nghĩa là DN thủy sản trong nước ít khi quyết định được giá bán). Vì thế, nếu mua BHTDXK sẽ giảm lợi nhuận của DN, nên dễ hiểu tại sao DN ít quan tâm đến việc mua gói bảo hiểm này. Thậm chí, nhiều DN xuất khẩu thủy sản còn không mua bảo hiểm hàng hóa, nhằm giảm chi phí bán hàng để tối đa lợi nhuận, nói gì đến chuyện mua BHTDXK.
Với ngành điều, theo ông Đặng Hoàng Giang - Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam - các DN xuất khẩu điều thường bán với giá FOB (giao tại mạn tàu). Vì thế, DN ít quan tâm đến việc mua BHTDXK.
BHTDXK không chỉ là giải pháp an toàn đối với DN xuất khẩu mà còn là công cụ thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, tham gia hay không là quyền của các DN , do vậy, việc tuyên truyền để các DN nâng cao nhận biết về tầm quan trọng của BHTDXK là vấn đề rất cần thiết hiện nay. Đây cũng là khuyến nghị chung của các DN bảo hiểm đến các cơ quan, ban, ngành liên quan để hỗ trợ thực hiện vấn đề này. Được biết, sắp tới, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục làm việc với các hiệp hội ngành hàng để tuyên truyền BHTDXK đến từng DN.