Chức năng, nhiệm vụ của BHTG Việt Nam được thể hiện trong Luật BHTG, đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và giữ vững an toàn, lành mạnh hệ thống tài chính - ngân hàng trong nước.
BHTG Việt Nam từng bước khẳng định được vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền |
20 năm qua, với rất nhiều nỗ lực, chính sách về BHTG được phổ biến rộng rãi tới đông đảo người dân cũng như các tổ chức tín dụng (TCTD); từ đó, xây dựng được niềm tin của người dân vào các TCTD.
Về nghiệp vụ, tính đến tháng 7/2019, ở Việt Nam có 1.282 tổ chức tham gia BHTG (95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 01 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô). Cùng với việc tiếp tục tăng cường giám sát các tổ chức tham gia BHTG, BHTG Việt Nam phối hợp triển khai hiệu quả việc cung cấp thông tin giữa Ngân hành Nhà nước (NHNN) và BHTG Việt Nam trong công tác giám sát từ xa. Tích cực kiểm soát chất lượng thông tin báo cáo và hoàn thiện các mẫu biểu báo cáo số liệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổng hợp tình hình thu nhận thông tin báo cáo về tiền gửi theo Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm nhằm phát hiện rủi ro, cảnh báo sớm có hiệu quả.
BHTG Việt Nam luôn chủ động, tích cực nghiên cứu về pháp điển hóa các hoạt động BHTG, đặc biệt là các quy định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu của ngân hàng hỗ trợ, tham gia thẩm định Đề án phục hồi TCTD yếu kém, tăng vốn điều lệ...
Hoạt động cấp chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện nghiêm túc đối với tất cả các TCTD trong toàn quốc, tạo điều kiện thực hiện nghĩa vụ BHTG theo luật định. Công tác quản lý và đầu tư vốn được BHTG Việt Nam thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, bổ sung nguồn thu cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của BHTG Việt Nam.
Tương tự các tổ chức BHTG trên thế giới, BHTG Việt Nam không ngừng khẳng định vị thế là công cụ đắc lực của Chính phủ, NHNN trong sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng và đóng góp có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Luật BHTG có hiệu lực từ năm 2013 là điểm nhấn quan trọng của hoạt động BHTG tại Việt Nam. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (2017) là cơ sở trao cho BHTG Việt Nam trách nhiệm lớn khi cho phép BHTG Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, như: cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt, xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét… Qua đó, có thể thấy từ một tổ chức tài chính mới mẻ, cho đến nay BHTG Việt Nam đã chứng tỏ vai trò và tầm quan trọng của mình đối với sự an toàn của hệ thống các TCTD ở Việt Nam.
Bước sang tuổi thứ 20, chặng đường sắp tới của BHTG Việt Nam sẽ có trách nhiệm nặng nề hơn rất nhiều. Cơ sở trước tiên để thực hiện trách nhiệm này là việc bổ sung, chỉnh sửa Luật BHTG trình Quốc hội vào năm 2020; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng lộ trình thu phí BHTG theo mức độ rủi ro; tăng hạn mức BHTG lên mức phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân của người dân cũng như tốc độ tăng của quy mô tiền gửi tiết kiệm. BHTG Việt Nam cần nâng tầm cao mới để đóng góp hữu hiệu vào sự lành mạnh, an toàn hệ thống các TCTD cũng như bảo vệ quyền lợi người gửi tiền trong thời gian tới.