Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT về việc Triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, lực lượng QLTT Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra kiểm soát tình hình.
Theo đó, ngày 6/7 tại Hà Nội, Cục QLTT (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng Chi cục QLTT Hà Nội ra quân kiểm tra các cửa hàng kinh doanh về chăm sóc sức khỏe làm đẹp, spa, phòng khám y tế, thẩm mỹ viện...
Chi cục QLTT Hà Nội và trao đổi tình hình trên địa bàn cùng với Cục QLTT trước khi tổng kiểm tra ra quân ngày 6/7 |
Chỉ trong một ngày 6/7, qua kiểm tra 10 điểm kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn toàn thành phố, các tổ công tác QLTT đã thu giữ hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ.
Cụ thể, đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Thảo - chủ kinh doanh; địa chỉ tại số 70 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Qua kiểm tra phát hiện 151 sảm phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập lậu; trị giá hàng hóa vi phạm: 9 triệu đồng. Còn tại cơ sở kinh doanh C4 ngõ 53 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội do bà Hoàng Hải Anh làm chủ, lực lượng phát hiện 239 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập lậu; trị giá hàng hóa vi phạm: 23,3 triệu đồng.
Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh số 26 Hàng Đường, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cửa hàng số 26 Hàng Đường, Hoàn Kiếm, Hà Nội thuộc Công ty TNHH Việt Hà Phát do bà Nguyễn Thị Mai Hương làm giám đốc. Bà Hương có hộ khẩu thường trú tại số 94B Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Qua kiểm tra phát hiện mặt hàng mỹ phẩm L’oreal có dấu hiệu vi phạm SHCN. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ 26 sản phẩm mỹ phẩm trên. Hiện vụ việc đang được xác minh làm rõ.
Đáng chú ý, đội QLTT số 13 tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm - biển hiệu “Skin House” do ông Trần Văn Tiến làm chủ kinh doanh tại địa chỉ số 19 Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Quá trình kiểm tra, ngoài các hàng hoá có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng bày bán hàng hoá gồm: 396 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, ước tính trị giá hàng hoá theo giá niêm yết tại cửa hàng khoảng 49.440.000 đồng. Đội QLTT số 13 đã tạm giữ toàn bộ hàng hoá vi phạm để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và tiếp tục xử lý.
Lực lượng QLTT kiểm tra tại cửa hàng Skin house số 19 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội |
Cùng hệ thống Skin house, tại cơ sở số 56, Trần Đại Nghĩa, Hai Bà Trưng, Hà Nội, lực lượng QLTT đội 14 cũng đã phát hiện khoảng hơn 600 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định và 8 chai nước tẩy trang nhãn L’ore’al loại 400 ml/chai có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Ngoài ra, tại địa chỉ số 22 Chùa Bộc - Đống Đa - Hà Nội do bà Đặng Thị Thu Thùy làm chủ, đội QLTT 14 phát hiện tại cửa hàng có 608 sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, là hàng hóa nhập lậu; trị giá hàng hóa vi phạm là 48.950.000 đồng. Đội QLTT số 14 đã tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định.
Như vậy, sau một ngày làm việc, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tạm giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại nhập lậu; trị giá hàng hóa vi phạm xấp xỉ 149 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 7/7, tổ công tác 334, Cục QLTT đã tiếp tục phối hợp với Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra 58 vụ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tạm giữ gần 130.000 sản phẩm các loại trị giá tạm tính ban đầu hơn 500 triệu đồng; trong đó ghi nhận hàng dược phẩm là nhiều nhất (76.849 đơn vị sản phẩm), mỹ phẩm (27.050 đơn vị sản phẩm), thực phẩm chức năng (11.512 đơn vị sản phẩm), đông dược (4.524 đơn vị sản phẩm), còn lại là các loại dụng cụ y tế, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng.
Đáng chú ý, tại nhà thuốc y học dân tộc tư nhân Vĩnh Xuân (đường Nguyễn Trãi, phường 7, quận 5) chuyên bán các loại cao đơn hoàn tán (nhập khẩu và trong nước), đoàn kiểm tra phát hiện gần 2.000 đơn vị sản phẩm đông dược và thực phẩm chức năng không có hóa đơn chứng từ, nhiều sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Đây là đợt ra quân kiểm tra rầm rộ nhất của Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh với gần 30 đội QLTT thuộc tất cả các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh đồng loạt ra quân kiểm tra các cửa hàng, điểm kinh doanh nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn thành phố.
TIN LIÊN QUAN | |
QLTT TP. Hồ Chí Minh hướng đến hoạt động chính quy và chuyên nghiệp | |
Lực lượng quản lý thị trường: Lớn mạnh cùng sự phát triển của ngành Công Thương |