39 nhà thầu trúng gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia |
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 229/TB-VPCP ngày 5/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh |
Thông báo nêu: Căn cứ Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022, trên cơ sở kết quả thảo luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động, khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Y tế chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, thống nhất phương án báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc và tập trung vào các vấn đề cấp bách, bức xúc nhằm bảo đảm thuốc, trang thiết bị và thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời, phù hợp tình hình thực tiễn và đúng quy định; hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ trước ngày 15/8/2022.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực phối hợp với Bộ Y tế hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.
Trước đó, báo cáo từ các địa phương cho hay, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cụ thể, có 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu thuốc. Bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên sâu...
Bộ Y tế xác định nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động. Tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ.
Việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại.
Đặc biệt tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị mặc dù thuộc thẩm quyền mua sắm. Có những doanh nghiệp, nhà cung cấp còn e ngại trong việc cung ứng hàng hóa khi giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp, khó khăn.
Các văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn có một số nội dung chưa rõ, chưa cụ thể nên dẫn tới cách hiểu, cách làm khác nhau.
Theo đó, việc tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế, đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, việc ban hành nghị quyết là cần thiết.