Theo báo cáo Tổng quan năng lượng APEC 2019 của APERC, trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng gia tăng, quá trình công nghiệp diễn ra nhanh chóng và rộng khắp, tổng cầu năng lượng dự báo tăng 21% từ năm 2016 - 2050. Tăng trưởng dân số ở Đông Nam Á và tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc là những nhân tố chính cho mức tăng của tổng cầu năng lượng. Mặc dù ngành công nghiệp vẫn là ngành tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong APEC nhưng đây là ngành có mức tăng trưởng chậm nhất. Giao thông nội địa và các tòa nhà tiêu thụ năng lượng nhiều thứ hai và thứ ba trong năm 2016. Mức tiêu thụ năng lượng tiếp tục tăng tỷ lệ thuận với tiêu chuẩn sống được nâng cao dẫn tới tăng nhu cầu về giao thông cá nhân và công cộng, thiết bị tiện nghị và không gian sống. Các chính sách về tiết kiệm năng lượng hiện tại sẽ phần nào làm dịu gia tăng nhu cầu năng lượng trong khu vực. Do đó, cân bằng cung – cầu năng lượng đang là thách thức rất lớn đối với các nền kinh tế đang phát triển trong APEC (bao gồm Việt Nam): Một mặt bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững, mặt khác đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Chiếm khoảng 60% nhu cầu năng lượng toàn cầu, 21 nền kinh tế APEC có thể dẫn dắt những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong hệ thống năng lượng toàn cầu. Nhằm đối phó hiệu quả những thách thức trước mắt và trong tương lai, các nền kinh tế APEC cần dự báo chính xác nhu cầu thực tế và khả năng cung ứng năng lượng trong nước nói riêng và APEC nói chung, từ đó xây dựng chính sách và biện pháp phù hợp, kịp thời, góp phần bảo đảm an ninh và cân bằng cung - cầu năng lượng quốc gia và khu vực.
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại chính sách đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, mục tiêu chung của hợp tác APEC trong lĩnh vực năng lượng là nhằm hướng tới giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng trong khu vực vào năm 2035 và tăng gấp đôi tỷ lệ các loại hình năng lượng tái tạo trong tổng số năng lượng chung trong APEC vào năm 2030 theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 (AELM 22), tháng 11/2012 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Theo đó, từ năm 2012, APEC đã có nhiều hoạt động hợp tác để tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động nâng cao năng lực cho các thành viên APEC, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển để tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, sạch, phát triển năng lượng tái tạo đi đôi với sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. Các hoạt động này đã được các nhà lãnh đạo Kinh tế và Bộ trưởng Thương mại APEC khuyến khích và ghi nhận trong nhiều năm qua.
Đại diện Viện Nghiên cứu năng lượng châu Á – Thái Bình Dương phát biểu tại hội thảo |
Hội thảo cũng là cơ hội cho đại diện các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận, trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm trong việc cân bằng cung – cầu năng lượng nhằm: Giới thiệu ấn phẩm “Triển vọng về cung và cầu năng lượng APEC” và “Tổng quan về năng lượng APEC năm 2018”; vai trò và cơ chế tham gia của các Bộ, ngành và đơn vị liên quan của Việt Nam trong xây dựng ấn phẩm này tiến tới tái bản lần 8 và thực hiện các nghiên cứu khác…
Bên cạnh đó, hội thảo cung tập trung đưa ra nhiều sáng kiến, khuyến nghị khả thi, có thể áp dụng nhằm hỗ trợ các thành viên APEC trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, cũng như đề xuất các giải pháp chính sách cho hợp tác APEC về lĩnh vực này trong thời gian tới.
Nền kinh tế APEC có thể dẫn dắt những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong hệ thống năng lượng toàn cầu. |
Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của Nhóm chuyên gia APEC về Phân tích dữ liệu năng lượng (EGEDA) và Nhóm công tác APEC về Năng lượng (EWG) nhằm sớm biến định hướng, chính sách thành hiện thực.