Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, trong đó đã có danh mục các dự án nguồn và lưới điện ưu tiên đầu tư ngành điện.
Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng tại Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 02/4/2024. Trong đó, 05 dự án thủy điện (gồm 03 dự án mở rộng và 02 dự án thủy điện tích năng, tổng công suất 3.440 MW) có quy mô từ 200 MW đến 1.200 MW được triển khai, đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2030.
Để đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng của đất nước. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng trong nước giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài, tránh được những rủi ro từ biến động giá cả và tình hình chính trị quốc tế, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước trong thời gian tới.
Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng có vai trò quan trọng như vậy, nhưng thời gian qua, quá trình triển khai các dự án năng lượng trọng điểm còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc: Cơ chế tài chính, chồng chéo các quy định, thủ tục, giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng... Những khó khăn, thách thức nêu trên có thể dẫn đến thiếu hụt công suất nguồn để đưa vào vận hành đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Từ thực tế trên, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm trực tiếp “Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng” nhằm tìm ra giải pháp triển khai các dự án năng lượng hoàn thành đúng tiến độ.
Tọa đàm cũng hướng đến việc xây dựng một diễn đàn để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận về những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm. Từ đó, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan về vai trò của các dự án năng lượng trọng điểm, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Tọa đàm "Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng" có sự tham gia của các diễn giả: Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; đại diện Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương); đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; chuyên gia kinh tế năng lượng Võ Trí Thành; Trưởng đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam, Tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn. |