Ngày 10/1/2024, Tổ công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của Báo Công Thương tổ chức phiên họp thứ nhất, nhằm thảo luận các định hướng, giải pháp hoạt động trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tổ công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của Báo Công Thương được thành lập theo Quyết định số 219/QĐ-BCT ngày 28/12/2023, gồm các thành viên là Lãnh đạo Báo, một số cá nhân có năng lực trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế báo chí; cùng với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu rộng nhằm tham mưu, hỗ trợ Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.
Toàn cảnh phiên họp định kỳ thứ nhất của Tổ công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo Báo Công Thương |
Tổ công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của Báo Công Thương được thành lập với mục tiêu tham mưu và đề xuất chủ trương, chính sách, kế hoạch... liên quan đến chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cho Báo Công Thương; giúp báo phát triển đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, phát triển nội dung và kinh tế báo chí;
Xây dựng mục tiêu, chiến lược chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển nội dung của Báo trong ngắn hạn và dài hạn. Giữ vững và phát triển mức độ trưởng thành chuyển đổi số Báo Công Thương;
Đề xuất các phương án để đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế số, nguồn thu từ môi trường internet, báo điện tử và mạng xã hội;
Thúc đẩy hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức truyền thông có kinh nghiệm chuyển đổi số; Phối hợp các phòng, ban có kế hoạch đào tạo và phát triển cho đội ngũ nhân sự có khả năng thích ứng với công nghệ mới và thực hiện chiến lược chuyển đổi số;
Tổ công tác sẽ đề xuất nội dung sáng kiến, sáng tạo, từ khóa hoạt động chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hàng ngày, hàng tuần; nhất là sáng tạo trong phát triển nội dung và kinh tế báo chí; giúp Lãnh đạo Báo chỉ đạo kịp thời các đơn vị thực hiện;
Phát hiện những hạn chế, bất cập, thách thức, sai sót, khuyết điểm trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đề xuất tham mưu Lãnh đạo Báo có giải pháp tháo gỡ, xử lý, thúc đẩy cơ quan phát triển; đề xuất biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Trong lĩnh vực báo chí, ngày 6/5/2023 Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của chiến lược là “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng... Để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn sôi động về phát triển báo chí hiện đại, từ đầu năm 2024, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Báo Công Thương đã thống nhất chủ trương và ban hành quyết định thành lập Tổ công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo với mục tiêu tạo sự đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, phát triển đồng đều cả về nội dung và kinh tế báo chí. |
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Minh, Bí thư Đảng ủy - Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Công Thương kỳ vọng Tổ công tác sẽ giữ vai trò nòng cốt, tạo động lực phát triển mới cho Báo Công Thương, mang tới những định hướng phát triển mạnh mẽ cả về nội dung lẫn kinh tế, qua đó đẩy mạnh thương hiệu của Báo, cải thiện đời sống, việc làm của người lao động.
"Tổ công tác cần có tầm nhìn và định hướng cụ thể, theo từng giai đoạn, từng thời kỳ. Trong đó, đặc biệt chú trọng, phấn đấu từ nay đến năm 2025, Báo Công Thương lọt vào top tờ báo có lượng bạn đọc lớn nhất Việt Nam, với mạng lưới hệ sinh thái đa phương tiện hiện đại, gần gũi với độc giả" - Đồng chí Nguyễn Văn Minh nêu rõ mục tiêu nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập Phụ trách Báo Công Thương, Tổ trưởng Tổ công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo chủ trì phiên họp |
Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm 2023 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Minh cho rằng năm 2024 Báo Công Thương cần nỗ lực hơn nữa để giữ vững đà phát triển trong tình hình chung có nhiều khó khăn, sự cạnh tranh về báo chí, truyền thông với các nền tảng mạng xã hội ngày càng gay gắt. Do đó, Tổ công tác cần có phân tích, dự báo, cùng những giải pháp, đề xuất bám sát tình hình thực tế, giúp Báo Công Thương duy trì và phấn đấu đạt thành tích cao hơn của năm 2023.
Tại cuộc họp, các thành viên của Tổ công tác đã đưa ra những ý kiến góp ý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin truyền thông cũng như kinh tế báo chí.
Theo ông Vũ Quang Trung, chuyên gia về phần mềm và công nghệ thông tin, Báo Công Thương cần phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị trang web và các từ khoá tìm kiếm, phát triển nội dung gắn với các nền tảng thương mại điện tử, phát triển kinh tế báo chí từ hạ tầng số. Còn theo chuyên gia YouTube Bùi Xuân Thuần, Báo Công Thương cần đầu tư phát triển đội ngũ xây dựng nội dung media, gắn với phát triển hệ sinh thái mạng xã hội, nhất là YouTube, Tiktok và Facebook…
Chuyên gia - đối tác của Báo Công Thương chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí |
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, trao đổi của chuyên gia và thành viên Tổ công tác, đồng chí Nguyễn Văn Minh đã có những chỉ đạo, gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Công Thương yêu cầu Trưởng, phó các ban chuyên môn cùng toàn thể người lao động Báo phải tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch liên quan đến công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Cùng đó, làm tốt công tác truyền thông nội bộ về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo;
Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của tập thể và từng cá nhân trong đơn vị, với lực lượng nòng cốt là Tổ công tác - mũi nhọn và là "lá cờ đầu" dẫn dắt và phát huy vai trò tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân, của mỗi tập thể;
Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ báo chí liên quan đến công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo ở các cấp, các phòng/ban trong tòa soạn, thông qua các buổi tập huấn, đào tạo liên tục, định kỳ hàng tháng, hàng tuần;
Tăng cường và cải tiến chất lượng hiệu quả và mở rộng hợp tác với những đối tác công nghệ, và các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong hoạt động chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; tiếp tục đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu phát triển;
Cuối cùng, công tác thi đua khen thưởng phải sâu sát, thường xuyên hơn nữa để khuyến khích kịp thời chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; có biện pháp phê bình, xử lý đối với với những tập thể, cá nhân chậm trễ trong công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.