Báo Công Thương đoạt giải Nhất Giải thưởng Báo chí về khoa học và công nghệ Báo Công Thương đoạt Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân |
Để có góc nhìn đa chiều, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – người đồng hành với nhiều chương trình, sự kiện của Báo Công Thương.
Thưa ông, là một chuyên gia đã đồng hành với Báo trong rất nhiều chương trình, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của Báo trong thời gian qua?
Tôi đã có một thời gian dài theo dõi Báo Công Thương – Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, thời gian qua, Báo đã có những bước phát triển nhất định, phù hợp với xu thế truyền thông hiện đại. Báo đã có sự đa dạng về nội dung thông tin và được truyền tải dưới nhiều hình thức phong phú như báo giấy, báo điện tử, báo hình, thậm chí trên các nền tảng mạng xã hội. Do nắm bắt kịp xu thế nên hiệu quả thông tin tuyên truyền của Báo Công Thương tăng lên rõ rệt.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Thực tế cho thấy, Báo Công Thương có định hướng chọn lọc cao gắn với tính chuyên ngành. Ngoài việc cập nhật kịp thời các tin tức, sự kiện có tính thời sự, chính trị, xã hội, Báo đã làm tốt việc bám sát được những lĩnh vực chuyên ngành về diễn biến tình hình cả vi mô và vĩ mô trên mặt trận công nghiệp và thương mại. Chính từ việc liên tục cập nhật những thông tin tích cực ấy đã tạo ra tác động rất lớn tới xã hội, cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và doanh nghiệp nắm, hiểu về những vấn đề đang được xã hội, ngành quan tâm.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thông qua các loạt bài, toạ đàm Báo phản ánh đã giúp nâng cao hơn vai trò, sứ mệnh của Báo và có tác động tích cực góp phần làm thay đổi các chính sách. Có thể dẫn chứng, tôi từng tham gia nhiều diễn đàn do Báo Công Thương tổ chức. Có những diễn đàn mang tính chuyên đề theo từng vấn đề thì rõ ràng đã tác động trực tiếp giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn những định hướng chính sách, truyền tải những vấn đề của doanh nghiệp ra xã hội và lên các cơ quan quản lý nhà nước và từ đó có tác động chính sách.
Trong quá trình phát triển của Báo Công Thương, vai trò phối hợp giữa Báo với các chuyên gia rất quan trọng. Vậy, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả trong việc Báo Công Thương chủ động phối hợp tích cực với các chuyên gia kinh tế trong thời gian qua?
Trong xu thế tình hình kinh tế xã hội thay đổi nhanh cũng đặt ra nhiều vấn đề “nổi cộm”. Với tư cách là một công cụ truyền thông, Báo Công Thương đã cập nhật thông tin, cung cấp nhiều góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia để có những gợi ý chính sách thiết thực từ nhiều vấn đề kinh tế - xã hội “nóng” sát với thực tiễn.
Bên cạnh đó, Báo cũng đã tổ chức được các diễn đàn có sự tham gia của nhiều chuyên gia. Thông qua buổi đối thoại, đặc biệt từ những ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ “gợi mở” được nhiều vấn đề cần giải quyết. Đây là một hình thức kết nối, tuyên truyền tạo hiệu ứng truyền thông rất mạnh và hiệu quả.
Thời gian qua, Báo đã rất chủ động trong việc nhận diện được các vấn đề có tác động đến xã hội sau đó “đặt hàng” các chuyên gia. Như năm qua, là vấn đề về xăng dầu. Trong bối cảnh tình hình xăng dầu trên thế giới và trong nước có nhiều biến động, trong đó có vai trò điều hành rất lớn từ Bộ Công Thương.
Theo đó, là cơ quan ngôn luận của Bộ, Báo đã chủ động phối hợp với các chuyên gia phản ánh nhiều ý kiến phản biện khách quan, đa chiều, đề cập được nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết, cũng như góp phần tham vấn cho các cơ quan chức năng. Theo đó, tôi đánh giá rất cao cách làm của Báo trong việc phát huy vai trò kết nối giữa Báo với các chuyên gia.
Ông có góp ý, gợi mở gì để giúp thúc đẩy sự phát triển của Báo Công Thương trong thời gian tới?
Báo Công Thương đã và đang là một tờ báo phát triển theo xu hướng hiện đại khi có sự tích hợp từ đa dạng các loại hình. Điều này cũng là cầu nối kết nối tốt hơn với độc giả. Từ việc cung cấp đa dạng thông tin tới bạn đọc, đây cũng là cách để Báo có thể đo lường được trình độ, nhận thức và sự quan tâm của độc giả. Qua đó sẽ giúp báo ngày càng nâng cao chất lượng nội dung, phục vụ tốt hơn cho độc giả. Do đó, muốn thu hút độc giả thì đòi hỏi báo cần phải uyển chuyển trong cách đề cập và truyền tải thông tin, đặc biệt là đề cập nhanh nhạy tới những vấn đề được xã hội quan tâm.
Bên cạnh đó, để có sức hút hơn, Báo cần tập trung vào những chuyên mục có tính chuyên ngành cao như về hội nhập quốc tế. Hiện nay, hội nhập quốc tế có vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Đây là lĩnh vực đang có nhiều khởi sắc cần được Báo chú trọng nhiều hơn và đặc biệt cần có các tuyến bài chất lượng hơn để giới thiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam hiểu được thị trường thế giới, nhằm “trang bị kiến thức” khi doanh nghiệp Việt tham gia sân chơi toàn cầu.
Tựu trung, từ những kết quả đã đạt được, trong bối cảnh cuộc đua thông tin của cuộc cách mạng công nghệ, Báo Công Thương cần phải không ngừng đổi mới sâu sắc hơn nữa, về toàn diện nội dung, hình thức, phương thức làm báo và phát triển Báo trở thành kênh truyền thông chủ lực, đa phương tiện, hiện đại; hoàn thành xuất sắc vai trò cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, tiếng nói, diễn đàn của giới Công Thương Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!