Báo chí phải khẳng định chủ quyền biển, đảo
Cả nước hướng về Biển Đông, thể hiện tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước |
Ông Mai Đức Lộc - Tổng biên tập Báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố - khẳng định, báo chí Việt Nam thời gian qua bằng nhiều hình thức khác nhau, đã có tiếng nói mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước nói chung và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam nói riêng.
Đặc biệt, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam kéo theo những hành động ngang ngược, tàn bạo, vô nhân đạo, tấn công, uy hiếp lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam, các cơ quan báo chí của Việt Nam và cả quốc tế đã đồng loạt lên án các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm tinh thần nhân đạo đó. Hàng loạt cơ quan báo chí, đã cử phóng viên trực tiếp tác nghiệp ngay trên vùng biển Hoàng Sa để tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa, buộc giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc ra khỏi vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời tuyên truyền nêu cao tinh thần yêu nước, sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc và người Việt ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế… lên tiếng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nhiều tham luận tại hội thảo đã khẳng định chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, báo chí cũng phải “ra khơi”. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phải linh hoạt và chủ động trong xử lý thông tin, điều tiết lượng tin, bài phù hợp với tình hình thực tế; tầm quan trọng của đội ngũ biên tập viên, phóng viên tâm huyết, có tay nghề, được trang bị đầy đủ phương tiện tác nghiệp và sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn nguy hiểm khi tác nghiệp…
Ông Võ Công Chánh - Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa: Nếu không có sự tiếp sức của báo chí, chúng tôi khó có thể đưa tiếng nói chủ quyền đến dư luận trong và ngoài nước. Báo chí đã góp tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ, chuyển tải sinh động các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, định hướng dư luận hiểu đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước trong vấn đề Biển Đông. |
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới - nhấn mạnh: Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa luôn ở trong trái tim người Hà Nội… Nhân dân cả nước đã và đang hướng về Biển Đông, thể hiện cao độ tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, ngoài việc khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, báo chí cần tập trung tuyên truyền chính sách, pháp luật về vấn đề biển, đảo; đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - đề nghị các cơ quan báo chí phải nhanh nhạy, không chờ chỉ đạo cụ thể, lập kế hoạch ứng phó để chủ động tuyên truyền khi có sự việc xảy ra. Làm sao thông tin phải có cơ sở khoa học, đúng mực, đúng định hướng, ấn tượng nhất, lan xa nhất, đến được những nơi hẻo lánh nhất, lan tỏa ra khắp thế giới. Báo chí phải thường xuyên, liên tục khơi dậy lòng yêu nước, thông tin cho nhân dân biết rõ tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, “không việc gì phải giấu nhân dân, không được giấu”.