Đây là nội dung được đưa ra tại Tọa đàm "Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí" trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí 2024, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 16/3 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho biết, hiện báo chí đang có 5 nguồn thu chính gồm quảng cáo báo in, ngân sách từ nhà nước, doanh thu từ phát hành báo in, hợp đồng truyền thông được tài trợ và quảng cáo trên báo điện tử.
Từ năm 2019 đến nay, nguồn thu báo chí sụt giảm mạnh. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, nguồn thu giảm tới 30% so với trước đó. Thông tin từ Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 cho thấy tổng doanh thu của các cơ quan báo năm 2021 đã giảm 30,6% so với năm 2020, khối tạp chí giảm 44,6% so với năm 2020.
Các đại biểu chia sẻ về giải pháp đa dạng hóa nguồn thu trong các cơ quan báo chí |
Những năm hậu đại dịch, kinh tế báo chí có xu hướng ổn định hơn nhưng tăng trưởng chậm. Theo một khảo sát IPS thực hiện có tới 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ từ 10 – 30% và 17% cơ quan báo chí vẫn ghi nhận doanh thu giảm.
Trong khi đó, việc đa dạng hóa các nguồn thu vẫn gặp một số khó khăn. Theo ông Đồng, hiện có thêm các nguồn thu mới cho các cơ quan báo chí như thu phí từ độc giả, nguồn thu từ mạng xã hội và nguồn thu từ các ứng dụng công nghệ. Trong đó, nguồn thu phí từ độc giả vẫn còn khá hạn chế. Tại Việt Nam hiện mới có 7/177 cơ quan được khảo sát có thu phí từ độc giả. Việc thu phí chậm thế này cho thấy nguồn thu báo chí những năm tới vẫn còn khó khăn.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ông Đồng cho biết, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của dữ liệu độc giả. Theo đó, chỉ có 100/177 cơ quan báo chí được khảo sát cho rằng đọc hiểu phân tích và sử dụng các công cụ phân tích nhu cầu độc giả là không cần thiết.
Bên cạnh đó, trước sự phát triển của công nghệ, chuỗi cung ứng tin tức đã có sự thay đổi. Nếu như trước đây đường đi của báo chí từ sản xuất – tiêu thụ là qua kênh phân phối truyền thống (các cửa hàng, sạp báo) thì nay kênh phân phối này được thay bằng các nền tảng xã hội.
Để phát triển kinh tế báo chí, trong ngắn hạn Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với toàn bộ sản phẩm báo chí; Đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; Tạo thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng khi báo chí hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội;
Về dài hạn, cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; Hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò ‘cầu nối’ của Bộ Thông tin & Truyền thông, các Hiệp hội; Tập trung ngân sách cho một số cơ quan báo chí cốt lõi để xây dựng nhóm đơn vị truyền thông chủ lực.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long nhìn nhận, hiện nay, những yếu tố tác động đến việc thực hiện cơ chế tự chủ đã thay đổi rất nhiều so với 10 năm, 20 năm trước. Từ sự phát triển kinh tế, xã hội, công nghệ cho đến sự thay đổi thị hiếu, thói quen của khán giả… Đặc biệt, với sự phát triển của internet, nhiều phương thức truyền thông mới ra đời, khán giả có rất nhiều sự lựa chọn để đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của mình. Vì vậy, đối với các cơ quan báo chí nói chung và Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long nói riêng, việc đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đồng thời với phát triển kinh tế báo chí sẽ ngày càng khó khăn hơn, phải đứng trước rất nhiều áp lực: áp lực giữ chân khán giả, áp lực về nguồn thu, áp lực về cạnh tranh thông tin…
Trong bối cảnh đó, ông Tuấn cho rằng, để đa dạng hóa nguồn thu thì phải có nội dung hay, phải có những tác phẩm được đầu tư theo chiều sâu. Muốn làm được điều này, các đơn vị phải đầu tư vào máy móc, công nghệ, vào con người.