Lý giải vì sao lạm phát năm 2022 của kinh tế Việt Nam khó duy trì được mức tăng dưới 4%, báo cáo dẫn các nguyên nhân trong đó đáng chú ý là xu hướng tăng giá hàng hoá cơ bản và giá xăng dầu leo thang cũng như chiến tranh Nga – Ukraine leo thang khiến giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn lên lạm phát năm 2022.
Cũng theo Báo cáo, lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng gây ảnh hưởng đến áp lực lam phát trong nước.
“Tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực trong khi tăng trưởng kinh tế đang ở mức dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng, theo đó làm gia tăng rủi ro lạm phát trung và dài hạn” - TS Tô Trung Thành, đồng chủ biên Báo cáo lưu ý.
Lạm phát được nhóm chuyên gia của Báo cáo coi là một trong các thách thức lớn của nền kinh tế trong năm 2022. Các thách thức khác được “điểm danh” trong Báo cáo gồm diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các nước có xu hướng thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát sẽ có tác động đến Việt Nam với việc dư địa chính sách tài khoá và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ hẹp dần, những rủi ro tín dụng trên thị trường bất động sản, chứng khoán…
Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021 dược công bố tại Hội thảo khoa học quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022" |
Trong bối cảnh đó, Báo cáo năm nay cho rằng nền kinh tế sẽ phải giải cùng lúc hai bài toán là ổn định kinh tế vĩ mô và làm lành mạnh tài chính. Trong bối cảnh đó, các chính sách tới đây cần dựa trên các quan điểm. Một là cần hướng đến việc hồi phục và phát triển kinh tế một cách bền vững.
Hai là để bảo đảm các cân bằng bên trong của nền kinh tế thì sản lượng cần duy trì gần mức tiềm năng, cần thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để nền kinh tế quay trở lại mức tiềm năng.
Ba là trong khi dư địa chính sách đang dần thu hẹp thì các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan toả lớn đến nền kinh tế.
“Chính sách tài khoá phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Cùng đó khi dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp mạnh, các công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung ít có tác dụng trong khi lại dẫn đến rủi ro lạm phát và bất ổn vĩ mô. Chính sách lãi suất nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động”- Báo cáo nêu quan điểm.
Một nội dung được Báo cáo này quan tâm là kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản, đặc biệt là thị trường bất động sản. Theo GS TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, đồng chủ biên Báo cáo, hiện tượng giá bất động sản tăng gấp 2-3 lần chỉ trong một thời gian rất ngắn như vừa qua là điều chưa từng xảy ra.
Một hiện tượng bất thường khác là trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tập trung rất cao cho trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, chiếm tỷ trọng gần 40% và có mức tăng đến 64 % so với năm 2020. Hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Trong bối cảnh đó, Báo cáo đề xuất việc cần xem xét trái phiếu bất động sản như một khoản nợ bất động sản dưới chuẩn, áp dụng trích lập dự phòng rủi ro với mọi định chế (gồm cả công ty chứng khoán, các quỹ…) nắm giữ loại giấy tờ có giá này.
“Cần nghiên cứu để xây dựng các cơ chế chính sách pháp luật không chỉ nhằm bình ổn thị trường bất động sản mà xa hơn là tạo cho thị trường này có khả năng xuất khẩu tại chỗ, đem lại nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước”- ông Chương nói.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp theo hướng loại bỏ mọi mọi xung đột lợi ích trên thị trường. Đồng thời, có các giải pháp đồng bộ để giảm đầu cơ trên thị trường bất động sản, loại bỏ xung đột lợi ích cơ bản trên thị trường bất động sản, tính tới nhanh chóng áp dụng Luật Tài sản.
Một phát hiện đáng chú ý nêu trong Báo cáo năm nay là nợ công của Việt Nam là cơ bản bền vững trước các cú sốc vĩ mô lớn trong giai đoạn sau đại dịch Covid-19 và có tính tới rủi ro địa chính trị gia tăng làm tăng giá chi phí sản xuất, tăng giá đầu vào sản xuất, tiêu dùng suy giảm. Báo cáo này cho rằng có thể đẩy chỉ số nợ công lên mức đỉnh là nợ công/GDP là 67%GDP, tuy nhiên mức này cũng vẫn còn thấp hơn mức khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế là 70%.