Tổ chức HRMI hay được biết dưới cái tên “Sáng kiến đánh giá quyền con người” một lần nữa không chỉ cho thấy bộ mặt vu cáo mà còn xúc phạm Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Trong báo cáo liên quan đến quyền con người của Việt Nam năm 2022, HRMI mô tả điều mà tổ chức này viết là “tình trạng duy trì quyền này của Việt Nam trong năm 2022 suy giảm tới mức tệ hại sau khi có cải thiện chút ít trong năm trước đó”.
Minh hoạ cho cái “nhận định” này là điểm số mà HRMI tự định ra, tự thu thập số liệu để chấm điểm. Thậm chí ngay cả với những vấn đề mà HRMI nhìn nhận liên quan đến quyền con người mà không có dữ liệu, HRMI vẫn “phán” Việt Nam đang "tệ hơn mức trung bình của nhiều nước" (!).
Kẻ tung đã sẵn người hứng kề bên: HRMI tung luận điệu và người hứng không phải ai xa lạ. “Hỏi tên rằng Nguyễn Văn Đài”- đối tượng từng vi phạm pháp luật Việt Nam nhiều lần và nay phải sống lần hồi bên trời Tây, nói rằng, HRMI nhận định như trên là “vẫn còn nương tay với Việt Nam”.
Không ai lạ gì những luận điệu kiểu “đến hẹn lại tung” của những tổ chức, những cá nhân như thế này. Nhưng cũng không thể chấp nhận việc xuyên tạc, xúc phạm một đất nước, một dân tộc trắng trợn đến độ “ngậm máu phun người” của HRMI, của Nguyễn Văn Đài.
Cần phải nói rằng những quyền con người ở Việt Nam là quyền Hiến định, đã được thể hiện toàn diện, đầy đủ trong Hiến pháp - đạo luật nền tảng cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 đều quy định các quyền dân sự, chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; các quyền của nhóm dễ bị tổn thương. Biết bao nhiêu hy sinh vất vả để giành giữ độc lập tự do, phát triển trong những bối cảnh phức tạp của thời đại cả chiến tranh, bao vây, cấm vận, cả dịch giã mang tầm thế kỷ, những quyền ấy vẫn là mục tiêu, là sự lựa chọn và phấn đấu hàng đầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Bảo đảm quyền con người ở Việt Nam là sự thật không thể phủ nhận |
Không nói xa xôi, chỉ nhìn lại giai đoạn cả hành tinh chúng ta chống chọi với căn bệnh thế kỷ mang dáng dấp của một khủng hoảng thời đại như dịch bệnh Covid-19, dù phải chịu nhiều tổn thất về con người, Việt Nam vẫn được đánh giá bằng những nhìn nhận thực chất, chân thành và không hề mang màu sắc ngoại giao về việc bảo đảm tối đa những quyền của con người, quyền của nhân dân. Đảng và Nhà nước, Nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tạo dựng sự phát triển ổn định tối đa, bảo đảm các nhu cầu về hàng hoá cho cuộc sống, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh tế để vừa thích ứng với dịch bệnh vừa tạo dựng những tiền đề để phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Đã không có bất cứ một hành động nào mang dáng dấp của “tình trạng khẩn cấp”, “thiết quân luật” được đưa ra trong thời gian dịch bệnh để hạn chế quyền con người như có những ai đó mong muốn để có thể “đục nước thả câu”.
Là một đất nước từng phải hy sinh biết bao người, biết bao của để có được hoà bình, độc lập, tự do cũng như có được những không gian ổn định cho tăng trưởng và phát triển như ngày hôm nay, Việt Nam không chấp nhận những luận điệu của những tổ chức như HRMI, của những đối tượng như Nguyễn Văn Đài nhân danh “quyền con người” để đưa ra những luận điểm, phán xét mang tính vô luân ngay cả với pháp luật quốc tế.
Việt Nam cũng đã hội nhập mạnh mẽ trên lĩnh vực quyền con người. Bằng chứng sáng ngời nhất, thuyết phục nhất chính là việc lần thứ 2 chỉ trong vòng 10 năm, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025 vào tháng 10/2022.
Việc trúng cử trở thành thành viên cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên hợp quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.
Cùng đó, trong những năm qua, Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền, trên những vấn đề còn khác biệt ví dụ như về quyền sức khoẻ sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xoá bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…
Có thể khẳng định rằng, việc Việt Nam lần thứ hai ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là một chủ trương đúng đắn thể hiện trên thực tế đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”, đồng thời cũng minh chứng rất mạnh dạn cho những nỗ lực của ta trước những thành quả bảo đảm quyền con người trong thời gian qua.
Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.
Tôn trọng quyền khác biệt trong chính kiến và sẵn sàng chia sẻ những nhận thức chung, những giá trị phổ quát trước những vấn đề lớn của thời đại, trong đó có vấn đề quyền con người, Việt Nam đã và luôn sẵn sàng đối thoại với các tổ chức quốc tế về những mối quan tâm đến vấn đề quyền con người, trong vai trò một quốc gia có trách nhiệm với phát triển.
Những luận điểm, nhận định của “kẻ tung, người hứng” như của tổ chức HRMI lẫn những cá nhân như Nguyễn Văn Đài tự bộc lộ cái lạc lõng thời đại ngay từ khi được “lên sóng” lẫn việc tự bộc lộ thói đạo đức giả của những ai đó không chịu sờ gáy mình.
Bởi trong thế giới ngày nay chuyện “chó cứ sủa, đoàn người cứ đi” đã là sự lựa chọn.