Longform
13/10/2021 11:05
Bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi

13/10/2021 11:05

Hai năm “cơn bão” mang tên Covid-19 càn quét, tàn phá khiến cho sức lực của nhiều doanh nghiệp tan hoang, suy kiệt. Tuy nhiên, bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi. Nhờ bản lĩnh, ý chí của các doanh nhân nên vẫn có rất nhiều doanh nghiệp vững vàng đương đầu thành công trước sự khốc liệt của đại dịch Covid-19.

Bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi

Hai năm “cơn bão” mang tên Covid-19 càn quét, tàn phá khiến cho sức lực của nhiều doanh nghiệp tan hoang, suy kiệt. Tuy nhiên, bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi. Nhờ bản lĩnh, ý chí của các doanh nhân nên vẫn có rất nhiều doanh nghiệp vững vàng đương đầu thành công trước sự khốc liệt của đại dịch Covid-19.

Bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi

Chỉ trong thời gian rất ngắn, dịch Covid-19 đã len lỏi, tác động toàn diện mọi lĩnh vực kinh tế, nhiều ngành nghề bị giáng đòn nặng nề trước cơn cuồng phong của đại dịch. Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN), giới doanh nhân không thể ngờ sức tàn phá của đại dịch lại tàn khốc đến vậy.

Với 32 năm kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, bà Đặng Thanh Hằng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thanh Hằng cho rằng, dịch Covid 19 là một dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, DN chuyên về sức khỏe, làm đẹp của nữ doanh nhân Hà Nội này không ngừng khẳng định vị thế trên thương trường, nhưng Covid-19 đã làm xoay chuyển mọi kế hoạch kinh doanh và kìm đà tăng trưởng của DN. Năm 2020, doanh thu của DN giảm 50%, riêng năm 2021 giảm 70%.

Khó khăn chưa từng có, nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trước thách thức của đại dịch, các doanh nhân Việt Nam đã phát huy trí tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo để duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh của DN. Đây cũng là giai đoạn buộc nhiều nhiều doanh nhân phải nhìn lại mình và tìm một hướng đi mới trong kinh doanh. Theo đó, để tự cứu mình, cứu DN nhiều doanh nhân đã thể hiện tinh thần phải kiên tâm, xây dựng đội ngũ kiên cường, tập thể hợp tác, đổi mới sáng tạo, thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường.

Bà Trần Lan Phương- Đại diện thương mại HXT Sơn Trà chia sẻ, là đơn vị sản xuất hàng hóa nông sản thuộc vùng cao của Tuyên Quang, với những nỗ lực không mệt mỏi đơn vị đã xây dựng được thương hiệu, nhịp sản xuất bắt đầu ổn định và đang tiến những bước vững chắc để xâm nhập thị trường quốc tế, nhưng dịch Covid-19 đã sớm làm đứt gãy thị trường và cơ hội vươn xa.

Song không vì vậy mà nản lòng, lãnh đạo HXT Sơn Trà đã tranh thủ thời gian tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch tập trung tìm hiểu các dòng sản phẩm mới, tích hợp với sản phẩm hiện có để tiến tới mở rộng phân khúc khách hàng, đặc biệt là tranh thủ kết nối nhiều kênh phân phối quốc tế nhằm tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm khi hoạt động kinh tế, giao thương trở lại.

Còn với Tập đoàn Thanh Hằng, trong lộ trình đề ra DN này nuôi tham vọng mở rộng hệ thống thương hiệu về làm đẹp, chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc. Nhưng dịch bệnh quá khắc nghiệt khiến DN phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Trong đó, kế hoạch mở rộng hệ thống của DN đã buộc phải dừng lại, chuyển hướng thu gọn hơn, chỉ tập trung kinh doanh tại hai thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, xây dựng nhiều gói kích cầu với giá hợp lý hơn trong giai đoạn dịch bệnh tác động tới nền kinh tế và xã hội, đồng thời đẩy mạnh kinh doanh online, theo xu thế chung.

Bà Đặng Thanh Hằng - cho hay, là lĩnh vực phải đóng cửa sớm và mở cửa muộn, nên tranh thủ thời gian “đóng băng” hoạt động, chiến lược của lãnh đạo DN đề ra đó là củng cố và đào tạo lại nhân lực, xây dựng lại quy trình vận hành khoa học hơn, tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng những gói chăm sóc đặc biệt hơn nhằm mang tới sự hài lòng nhất, tốt nhất cho khách hàng.

Bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi

Liên tiếp các đợt dịch ập đến, Lux Group – đơn vị quản lý hệ sinh thái lữ hành, vận chuyển, du thuyền cao cấp được ông Phạm Hà CEO của DN này bộc bạnh là rơi vào tình trạng "cháy nhà" tứ phía. Tuy nhiên, bão lớn càng cần thuyền trưởng giỏi, ba đợt dịch Covid-19 đầu tiên diễn ra khiến rất nhiều DN trong ngành du lịch bị rơi vào trạng thái kiệt quệ, nhưng Lux Group vẫn luôn kiên cường vượt qua, không bỏ cuộc. “Chìa khoá để làm được điều đó là chúng tôi số hoá toàn bộ DN, tối ưu hoá quy trình, hiểu chân dung khách hàng, tối ưu dòng tiền, tìm kiếm những sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế khách Việt Nam cao cấp. Đặc biệt, Lux Group nhanh chóng chuyển từ phục vụ khách quốc tế sang khách Việt bằng chuẩn châu Âu để thích ứng với bối cảnh mới”- ông Hà cho hay.

Bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi

Eastern Sun Việt Nam, một DN cung cấp các giải pháp về chuyển đổi số cho DN cũng nằm trong tình trạng khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế, khi các chuỗi cung ứng, nhu cầu sản xuất, đầu tư giảm sút. Để vượt qua khó khăn, DN đã phải tích hợp nhiều giải pháp ứng phó. Ông Đào Quang Dũng – Giám đốc Eastern Sun Việt Nam cho biết, tinh thần của lãnh đạo DN là chia sẻ những thách thức tới toàn bộ cán bộ, nhân viên để thấu hiểu và cùng nhau đồng hành vượt “bão Covid-19”.

Bên cạnh sự kịp thời đưa ra các giải pháp kinh doanh thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, giải pháp quan trọng để DN trụ vững trước đại dịch được nhiều chủ DN cho hay chính là giữ chân đội ngũ nhân lực. Theo bà Đặng Thanh Hằng, một trong những thành công của DN chính là có được đội ngũ nhân lực giỏi và trung thành. Trong thời gian dịch bùng phát, Tập đoàn Thanh Hằng đã luôn duy trì được nguồn nhân lực ổn định, thậm chí ngay trong đại dịch khi mọi hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ nhưng DN vẫn duy trì và giữ ổn định chi phí và nhân sự trong suốt 2 năm qua dù DN đã phải bán rất nhiều tài sản tích luỹ từ nhiều năm.

Bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi

Trong làn sóng dịch thứ tư, ông Phạm Hà cũng cho biết, Lux Group cũng đã nỗ lực giữ nhân sự chủ chốt, luôn trong tâm thế "ngủ đông" chủ động, sẵn sàng đón khách quốc tế và quốc nội bất kỳ lúc nào. Với sự động viên của lãnh đạo DN, tinh thần của nhân sự luôn được củng cố, tránh được rơi vào trạng thái buông xuôi, nản chí trước khó khăn.

Nhờ chiến lược của người lãnh đạo, đội ngũ nhân sự của Lux Group chỉ chuyên tâm nghiên cứu tâm lý khách hàng, liên tục cập nhật xu thế, cùng đối tác nghiên cứu và triển khai sản phẩm mới như xanh, thuận thiên, giàu cảm xúc, tạo thành bộ sưu tập riêng để có thể phục vụ thị trường ngay khi du lịch mở cửa trở lại.

Bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi

Có thể nói, từ định kiến vốn không được xã hội đề cao trước đây, rồi được thừa nhận tên gọi chính danh “doanh nghiệp”, đến nay, vai trò, vị thế của đội ngũ doanh nhân đã có sự thay đổi, đạt được bước tiến dài. Họ đã được đặt ở vị trí trung tâm của xã hội, là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”, là đối tác với Nhà nước trong mối quan hệ công - tư, là đối tượng để phục vụ của Nhà nước kiến tạo.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 850.000 DN hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo của doanh nhân Việt Nam, nhiều DN đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các DN trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, nhiều DN tên tuổi đã được chèo lái bởi vị thuyền trưởng là doanh nhân nữ tài giỏi, với sự sáng tạo, bản lĩnh trên thương trường họ đã có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế đất nước.

Đặc biệt, gần hai năm qua, trong bối cảnh đất nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đội ngũ doanh nhân vừa đóng góp cho sự phát triển đất nước, vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch với những nghĩa cử rất cao đẹp.

Trong thư gửi tới cộng đồng doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam, trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Dù phải đối mặt với “năm nắng – mười mưa”, nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nhân luôn thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”. Và trong giai đoạn đất nước chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, từng bước mở cửa kinh tế thì vai trò của đội ngũ doanh nhân lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, không ngừng đổi mới sáng tạo để đưa DN và nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Ông Đào Quang Dũng – bày tỏ, xác định sẽ còn rất nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là hệ quả của dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Tuy nhiên với sự nỗ lực của Chính phủ, DN tin rằng cuộc sống bình thường sẽ trở lại và phát triển theo trạng thái mới đó là áp dụng khoa học công nghệ và ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực. Eastern Sun Việt Nam sẽ luôn đồng hành và góp phần nhỏ bé vào công cuộc đó.

Để có thể cống hiến nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước, bà Trần Lan Phương cho biết, HXT Sơn Trà đang có hoài bài quy hoạch vùng trà Shan Tuyết thành một vùng nguyên liệu trà organic đủ năng lực đáp ứng các đơn nhập khẩu của các đối tác nước ngoài, từng bước nâng tầm thương hiệu trà Việt trên thế giới.

Đại diện Tập đoàn Thanh Hằng cho hay, một trong những thành công của chúng tôi chính là nhân lực giỏi và trung thành, với tôi, đảm bảo duy trì được công việc cho nhân viên chính là trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, những người đã tin tưởng và đồng hành cùng mỗi doanh nhân để góp phần làm nên một doanh nghiệp lớn mạnh. "Trở lại nhịp độ kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới, tôi mong muốn sẽ chèo lái, tiếp tục đưa DN lớn mạnh và tiếp tục đồng hành cùng hàng trăm ngàn phụ nữ Việt trên con đường làm đẹp, tỏa sáng là chính mình. Đồng thời, DN sẽ nỗ lực mang đến thị trường những sản phẩm, công nghệ mới hữu ích cho sức khoẻ cộng đồng trước các nguy cơ, ảnh hưởng của dịch bệnh"- bà Đặng Thanh Hằng bày tỏ.

Còn với ông Phạm Hà, với trách nhiệm của DN, vị CEO Lux Group khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy kinh doanh, đưa ngành du lịch lịch Việt Nam phát triển bền vững; phát huy văn hoá, giới thiệu những tinh hoa văn hoá dân tộc. Đặc biệt, DN tăng cường sử dụng nguồn nhân lực địa phương, góp phần công cuộc xóa đói giảm nghèo cho nhiều địa phương nơi DN vận hành kinh doanh.

Bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi

Bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi

Tuy nhiên, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm và những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ. Vì vậy, giới doanh nhân cũng đang rất mong mỏi Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch.

Theo mong muốn của cộng đồng DN và doanh nhân, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của các DN. “Là chủ DN, chúng tôi không mong gì hơn cần được sự hỗ trợ các chính sách của nhà nước về hỗ trợ lãi suất, thuế cũng như xây dựng các chương trình kích cầu, hỗ trợ DN để tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từng bước phục hồi nền kinh tế theo tình hình mới”- ông Đào Quang Dũng kiến nghị.

Bão càng lớn càng cần thuyền trưởng giỏi

Thực hiện: Hoa Quỳnh

Đồ họa: Thu Thủy

Hoa Quỳnh - Thu Thủy