Bản tin quân sự 5/1: Ukraine giảm thời gian huấn luyện chuyển loại phi công
Thời gian huấn luyện chuyển loại máy bay F-16 của phi công Ukraine bị rút ngắn; Ba Lan chi khủng mua vũ khí trong năm 2025… là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Thời gian huấn luyện chuyển loại máy bay F-16 của phi công Ukraine bị rút ngắn
Trang tin quân sự Topwar thông tin, chương trình đào tạo phi công Ukraine chuyển loại điều khiển máy bay chiến đấu NATO đã bị cắt giảm. Cụ thể, phi công Ukraine đang bị rút ngắn thời gian đào tạo chuyển loại lái máy bay F-16.
Vấn đề này cũng được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Sergei Melnik xác nhận với tuyên bố “tối ưu hóa thời gian” hoặc “không có thời gian để chuẩn bị đầy đủ”.
“Việc tối ưu hóa chương trình sẽ giảm thời gian đào tạo phi công lái F-16 gần 3 tháng”, ông Sergei Melnik cho biết.
Thời gian huấn luyện chuyển loại phi công F-16 đang bị cắt ngắn. Ảnh: Defense News |
Trước đó, chương trình chuyển loại phi công Ukraine đã được "tối ưu hóa" còn 6 tháng, con số này ngắn hơn rất nhiều so với chương trình đào tạo phi công tiêu chuẩn của Mỹ và phương Tây. Để so sánh, khóa đào tạo tối thiểu để phi công Mỹ lái máy bay chiến đấu F-16 là 18 tháng.
Khó có thể cho rằng chất lượng chuyên môn của phi công Ukraine đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Việc huấn luyện được tối giản khiến chất lượng phi công và lực lượng kỹ thuật mặt đất khó có thể đáp ứng với các tiêu chuẩn chiến đấu hiện đại theo tiêu chí của NATO.
Về vấn đề này, Kiev trước đó từng nhấn mạnh, các phi công Ukraine rất giỏi nên 3 tháng huấn luyện là đủ để ra chiến trường.
Israel đóng chiến hạm tên lửa thế hệ mới
Trang tin Defense News đăng tải, Bộ Quốc phòng Israel đã ký hợp đồng với công ty đóng tàu Israel Shipyards (Haifa) để đóng 5 tàu hộ tống tên lửa nhỏ loại Reshef mới cho Hải quân Israel. Giá trị hợp đồng là 2,8 tỷ shekels (780 triệu USD), bao gồm cả dịch vụ hậu cần kèm theo. Hợp đồng có thời hạn 5 năm và tàu hộ tống đầu tiên sẽ được giao cho hải quân Israel vào năm 2027.
Là một phần của Hải quân Israel, các tàu hộ tống lớp Reshef mới thay thế cho các tàu hộ tống tên lửa thế hệ cũ Saar 4.5, được đưa vào hoạt động từ 1981 đến 2003. Dự án tàu hộ tống lớp Reshef được Nhà máy đóng tàu Israel phát triển dựa trên thiết kế xuất khẩu của tàu hộ tống nhỏ Saar-72 dài 72 m.
Tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Reshef của Israel. Ảnh: Topwar |
Được biết, các tàu lớp Reshef sẽ có kích thước tăng nhẹ so với Saar-72 - dài 76-77 m và rộng 10,88 m, tổng lượng giãn nước khoảng 1.000 tấn. Nhà máy điện chính sẽ là động cơ diesel ba trục hoặc diesel-điện, với tốc độ tối đa lên tới 30 hải lý/giờ.
Vào năm 2023, module phần thân của tàu hộ tống lớp Reshef sẽ được sản xuất tại Mỹ bởi một nhà máy đóng tàu giấu tên với tư cách là nhà thầu phụ. Thành phần này sau đó được vận chuyển đến Nhà máy đóng tàu Israel ở Haifa để lắp ráp. Điều này có thể tài trợ cho việc sản xuất các bộ phận thân tàu bằng nguồn viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel. Điều này đồng nghĩa với giá trị của hợp đồng có giá trị cao hơn nhiều so với mức được công bố.
Vũ khí trang bị của tàu hộ tống lớp Reshef , theo bản kết xuất được công bố, sẽ bao gồm 8 bệ phóng tên lửa chống hạm IAI Gabriel 5, tối đa 40 bệ phóng thẳng đứng của hệ thống tên lửa phòng không Rafael C-Dome (phiên bản trên hạm của Iron Dome), bệ phóng máy bay không người lái tự sát, hải pháo 76 mm Leonardo Oto Super Rapid, hai khẩu pháo bắn nhanh 30 mm điều khiển từ xa Rafael Typhoon.
Ở đuôi tàu có bệ đáp máy bay trực thăng, trên đó có thể đặt các hệ thống vũ khí chống tàu ngầm hoặc thủy lôi. Hệ thống điện tử sẽ bao gồm radar đa chức năng IAI Elta EL/M-2258 ALPHA tích hợp trong tháp thượng tầng, hai trạm quang điện và hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, bao gồm hệ thống Elbit và Shark kỹ thuật số Rafael/ Hệ thống Elisra NS9003/AquaMarine và tổ hợp bắn đạn nhiễu.
Ba Lan chi số tiền kỷ lục mua vũ khí trong năm 2025
Ấn phẩm Rzeczpospolita của Ba Lan đưa tin, tổng giá trị các hợp đồng mua vũ khí mới của Ba Lan trong năm nay lên tới gần 40 tỷ USD, một phần đáng kể trong số này đến từ các hợp đồng với ngành công nghiệp quân sự Mỹ.
Rzeczpospolita viết: “Vào năm 2024, các hợp đồng cung cấp thiết bị mới cho quân đội trị giá hơn 162 tỷ zloty (tương đương 39,5 tỷ USD), trong đó khoảng 110 tỷ zloty được cung cấp cho ngành công nghiệp nước ngoài”.
Trong vài năm trở lại đây, Ba Lan đang tích cực mua sắm vũ khí mới. Ảnh: Topwar |
Hợp đồng lớn nhất của Ba Lan tính theo giá trị vào năm 2024 là mua 96 máy bay trực thăng AH-64E Apache với giá khoảng 10 tỷ USD. Ấn phẩm Rzeczpospolita viết: “Số lượng lớn những chiếc trực thăng này sẽ khiến chúng ta trở thành quốc ga thứ 2 sau Mỹ sử dụng số lượng lớn trực thăng tấn công hiện đại này, nhưng điều đó cũng có nghĩa là các lĩnh vực của quân đội Ba Lan sẽ thiếu nguồn tài chính cần thiết”.
Theo Rzeczpospolita, các hợp đồng đắt giá nhất của Mỹ cũng bao gồm, hợp đồng cung cấp và tích hợp hệ thống IBCS cho giai đoạn thứ 2 của chương trình Wisla và Narew, nói một cách đơn giản là hệ thống sẽ quản lý hệ thống phòng không và tên lửa của Ba Lan trị giá khoảng 2,5 tỷ USD.