Bản tin quân sự 9/2: Hàn Quốc mua siêu trực thăng chống ngầm từ Mỹ Bản tin quân sự 10/2: Mỹ lại bán lô vũ khí trị giá tỷ đô cho Israel Bản tin quân sự 11/2: Su-57E là tâm điểm tại Aero India |
Nga giới thiệu mẫu áo giáp chống đạn mới; Trung Quốc giới thiệu chế độ “quái thú” của J-20…là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Nga giới thiệu mẫu áo giáp chống đạn mới
Công ty Triada-TKO (một công ty con của Tập đoàn Kalashnikov) đã bắt đầu chuyển giao thế hệ áo giáp chống đạn đa năng tiên tiến cho khách hàng. Các sản phẩm này sẽ trải qua thử nghiệm thực chiến trong thời gian tới.
Áo chống đạn mới được phát triển dựa trên hệ thống tháo đạn mô-đun phiên bản 2.0 (MRS 2.0). Các tấm giáp của áo vest có khả năng bảo vệ chống lại các loại đạn xuyên giáp cỡ 5,45x39 và 7,62x39 mm. Áo vest được trang bị các thành phần chống phân mảnh làm từ polyethylene có trọng lượng phân tử cực cao, có khả năng chống chịu đạn có sơ tốc tới 630m/giây.
![]() |
Mẫu áo giáo chống đạn mới đang được Quân đội Nga thử nghiệm. Ảnh: Lenta |
Áo vest cũng được trang bị các mô-đun để bảo vệ cổ, bụng và háng. Sản phẩm nặng khoảng 11kg và được trang bị hệ thống phân bổ trọng lượng với các điểm nối dạng ống lồng giúp phân bổ lại trọng lượng từ vai đến eo và hông. Trang bị áo giáp mới này tương thích với hệ thống ba lô mới đang được thử nghiệm.
Triada-TKO cho biết: "Việc sử dụng các vật liệu công nghệ cao hiện đại đã cho phép chúng tôi mở rộng khả năng hoạt động của áo chống đạn tiên tiến: thiết kế của sản phẩm cho phép biến đổi và sử dụng như áo chống đạn thông thường, áo tháo đạn hoặc tấm chắn ngực chiến đấu".
Áo chống đạn mới cũng đi kèm với một bộ túi để đựng phụ kiện và đạn dược. Dựa trên kết quả thử nghiệm của Quân đội Nga, quyết định về việc tiếp tục mua thêm áo chống đạn mới sẽ được quyết định.
Vào tháng 1/2025, tập đoàn nhà nước Rostec thông báo rằng áo giáp chống đạn Obereg thuộc lớp Br5 đã được thử nghiệm trên chiến trường và nhận được đánh giá tốt.
Trung Quốc giới thiệu chế độ “quái thú” của J-20
Kênh Telegram quân sự Military Observer thông tin, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Chengdu J-20 của Trung Quốc lần đầu tiên được phát hiện ở chế độ “quái thú” khi mang theo số lượng lớn tên lửa trên các giá treo trong thân và trên cánh.
Đoạn phim cho thấy một chiếc J-20 đang bay mang theo 8 tên lửa không đối không PL-15 có tầm bắn khoảng 200 km trên các móc treo bên ngoài. Máy bay chiến đấu này cũng có thể mang theo 4 đến 6 tên lửa trong khoang thân.
![]() |
Ở chế độ "quái thú", các máy bay chiến đấu thế hệ 5 sẽ hy sinh khả năng tàng hình để đổi lại sức mạnh chiến đấu. Ảnh: Getty |
Ở chế độ “quái thú", máy bay thế hệ thứ 5 mang theo số lượng vũ khí tối đa, được đặt ở tất cả các điểm treo vũ khí. Tên lửa gắn bên ngoài cho phép tấn công nhiều mục tiêu hơn, nhưng khiến khả năng tàng hình của máy bay suy giảm.
Phiên bản tiêu chuẩn của J-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2011 và đưa vào hoạt động vào năm 2017. Ngoài tên lửa PL-15, máy bay chiến đấu có thể mang theo tên lửa tầm ngắn PL-10.
Vào tháng 12/2024, các chuyên gia từ Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí Thế giới đánh giá Su-57E của Nga là máy bay chiến đấu hạng nặng duy nhất trên thị trường có khả năng cạnh tranh ngang bằng với J-20 của Trung Quốc về tải trọng cất cánh.
Rheinmetall bàn giao “lá chắn bầu trời” Skyranger 30 đầu tiên cho Quân đội Đức
Rheinmetall thông báo đã chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không Skyranger 30 đầu tiên trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh Boxer cho Lực lượng vũ trang Đức theo đúng lịch trình đã thỏa thuận.
Hệ thống được cung cấp cái gọi là "mô hình thử nghiệm" sẽ được sử dụng để xin sự chấp thuận từ Quân đội Đức (Bundeswehr). Sau khi hoàn tất đào tạo nhân lực vận hành, quá trình thử nghiệm chấp nhận sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm 2025. Việc giao hàng hàng loạt dự kiến diễn ra vào năm 2027 và đầu năm 2028.
Tháng 2/2024, Lực lượng vũ trang Đức đã ký hợp đồng với Rheinmetall để cung cấp một lô pháo phòng không tự hành Skyranger. Giá trị đơn hàng là 595 triệu Euro (bao gồm VAT). Hợp đồng quy định việc giao một nguyên mẫu và 18 phương tiện chiến đấu trên khung gầm xe Boxer AFV. Ngoài ra, thỏa thuận còn bao gồm tùy chọn cung cấp thêm 30 phương tiện bổ sung.
![]() |
Pháo phòng không Skyranger 30 |
Theo Rheinmetall, việc chuyển giao Skyranger 30 sẽ tăng cường năng lực phòng không tầm thấp của Lực lượng vũ trang Đức. Hệ thống này sẽ cung cấp sự kết hợp tối ưu giữa khả năng cơ động, khả năng bảo vệ, tính linh hoạt khi sử dụng và độ chính xác trong điều kiện phòng không tầm thấp và cực thấp.
Tháp pháo Skyranger 30 được trang bị pháo 30mm (tốc độ bắn lên tới 1.250 viên/phút) cho đạn 30mm x 173 KCE, tên lửa phòng không có điều khiển và radar đa chức năng. Skyranger 30 ban đầu sẽ được trang bị tên lửa đất đối không Stinger. Sau đó, loại tên lửa mới chuyên biệt để đánh chặn UAV sẽ được tái trang bị thay thế.
Thiết kế của Skyranger 30 cho phép thực hiện nhiệm vụ một cách tự động và như một phần của hệ thống phòng không hợp nhất. Đạn nổ trên không có thể lập trình AHEAD sẽ cung cấp khả năng chống UAV hiệu quả bằng chùm mạnh mật độ cao.
Skyranger 30 là một phần của sáng kiến Sky Shield châu Âu. Các quốc gia thành viên NATO và EU khác đang cân nhắc tham gia chương trình mua sắm này hoặc đã khởi xướng chương trình này. Vào tháng 12/2023, Hungary đã ký với Rheinmetall hợp đồng phát triển tháp pháo Skyranger 30 để trang bị cho xe bọc thép bánh xích KF41 Lynx. Áo và Đan Mạch cũng đã đặt hàng Skyranger 30 trên nhiều nền tảng phương tiện khác nhau.
Cuối tháng 1/2025, Bộ Quốc phòng Hà Lan đã công bố ý định mua 22 hệ thống Skyranger 30. Hợp đồng sẽ được ký kết vào cuối năm 2025.