Xử phạt 90 triệu đồng do kinh doanh tôm giống không rõ nguồn gốc
Ngày 3/11, Công an tỉnh Khánh Hòa vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Phạm Thị Thành Ngọc (sinh năm 1985, có địa chỉ tại Tổ dân phố Phúc Sơn, phường Cam Phúc Nam, thành phố Cam Ranh) vì kinh doanh tôm giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng công an kiểm tra khu vực sản xuất tôm giống của hộ bà Phạm Thị Thành Ngọc |
Trước đó, vào ngày 24/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Phạm Thị Thành Ngọc. Hộ bà Ngọc kinh doanh tôm giống với diện tích khoảng 4.000m2, gồm 15 hồ.
Tại thời điểm kiểm tra, có 14 hồ đang chứa khoảng 300.000 con tôm hùm giống không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp và các tài liệu có liên quan đến bảo vệ môi trường.
Ước tính lô tôm hùm giống này trị giá khoảng 7 tỷ đồng. Toàn bộ số tôm hùm giống này đã bị các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Tạm giữ hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm (Công an Hà Nội) phát hiện, tạm giữ hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Đội Quản lý thị trường số 22 đã tạm giữ 862 sản phẩm mỹ phẩm các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật |
Trước đó, ngày 31/10, Đội Quản lý thị trường số 22 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra địa điểm kinh doanh mỹ phẩm tại địa chỉ số 367 ngõ 68 đường Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại đây đang kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm các loại, cơ sở kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Hiện, Đội Quản lý thị trường số 22 đã tạm giữ 862 sản phẩm mỹ phẩm các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Xử phạt kinh doanh bộ kích điện không rõ nguồn gốc
Theo thông tin từ Báo Thái Nguyên, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Thái Nguyên) vừa xử phạt vi phạm hành chính đối với V.T.H (sinh năm 1991, trú tại huyện Đại Từ) về hành vi kinh doanh thiết bị kích điện không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Xử phạt trường hợp kinh doanh bộ kích điện không rõ nguồn gốc |
Cụ thể, tại cơ quan Công an, H. khai nhận: Khoảng tháng 9/2023 có mua 5 bộ pin, sạc, kích điện trên mạng xã hội với giá 2,4 triệu đồng/bộ. Mục đích là bán lại cho người có nhu cầu sử dụng để kích điện bắt cá, giun... để kiếm lời. Tuy nhiên, khi chưa kịp bán thì số hàng hóa này bị tổ công tác của Phòng An ninh kinh tế phát hiện, thu giữ.
Tại thời điểm kiểm tra, H. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên.
Hiện, Phòng An ninh kinh tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 6 triệu đồng đối với hành vi của H. và tiến hành tiêu huỷ toàn bộ tang vật vi phạm.