Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiều vến đề cử tri quan tâm. |
Với trách nhiệm cao trước cử tri, tại các thảo luận, nhiều đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiều vến đề cử tri quan tâm. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến tư liệu sản xuất của người dân miền núi khi họ đã nhường đất cho các dự án thủy điện và tình hình triển khai xây dựng Nông thôn mới tại các địa phương.
Quản lí đất đai lỏng lẻo
Theo các đại biểu thì phong trào xây dựng nông thôn mới đã đạt đươc nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng vần còn một số vấn đề mà theo các đại biểu cần quan tâm. Đó là chất lượng và tính bễn vững của các xã đã về đích, trong đó, thu nhập người dân, môi trường, quản lý nguồn lực NTM, chất lượng hệ thống chính trị... đang là các tiêu chí mà các xã NTM gặp rất nhiều khó khăn để duy trì.
Trong xây dựng NTM, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (huyện Kỳ Sơn) chỉ ra một tồn tại được xếp vào hành vi vi phạm phạm pháp luật nghiêm trọng: Lãnh đạo xã tùy tiện bán đất công để xây dựng NTM. Cùng với việc huy động quá sức dân để xây dựng NTM thì hành vi bán đất công để xây dựng NTM cũng bị nghiêm cấm. Người vi phạm sẽ bị khởi tố vào nhóm tội phạm tham nhũng.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa rõ nét. Nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Đình Hùng cho rằng cần quan tâm đến việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy và xây dựng các mô hình trong nông nghiệp |
Ông Nguyễn Đình Hùng – Đại biểu huyện Con Cuông cho rằng cần quan tâm đến việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy và xây dựng các mô hình trong nông nghiệp để phát triển kinh tế, đặc biệt là các huyện Miền Tây. Ông cũng cho rằng thời gian tới cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, muốn phát triển cần tập trung một số điểm lớn, đi vào trọng tâm, trọng điểm tránh đầu tư giàn trải không chọn lọc. Chọn các sản phẩm có tiềm năng để phát triển. Vấn đề cần bàn trước mắt đó là trồng cây gì và nuôi con gì? Cần chọn ra những sản phẩm mang tính đặc trưng, không nên làm ồ ạt…vấn đề an toàn thực phẩm đang nhức nhối tại các huyện miền núi. Càng ở miền núi cao thì hàng giả hàng nhái hàng kém chẩt lượng càng nhiều và trở thành vấn nạn. Cần phân cấp rõ về chức năng nhiệm vụ, phân cấp về các huyện để có chế tài xử lý phù hợp để giảm vấn nạn này…
Đại biểu Trần Văn Hường huyện Nam Đàn) băn khoăn: Liên kết mô hình công nghệ cao trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vì chưa có chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ cho bà con nông dân. Ông đề nghị UBND tỉnh và Sở Nông Nghiệp cần phối hợp với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân để tránh điệp khúc "được mùa mất giá".
Đề nghị dừng triển khai các dự án thuỷ điện
Cùng đề cập đến các dự án thủy điện, đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng (Kỳ Sơn), cho biết huyện Kỳ Sơn hiện có đến 10 dự án thủy điện, trong đó có 3 dự án đã đi vào hoạt động.
Việc thi công và đưa vào hoạt động các dự án thủy điện trên địa bàn đã làm hủy diệt nguồn thủy sinh trên sông Nậm Nơn, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ dân làm nghề chài lưới trên sông.
Hiện tại để triển khai dự án thủy điện Mỹ Lý phải di dời gần 500 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu, trong khi đó đất để tái định cư không có. Hơn nữa, còn làm ảnh hưởng đến việc quy hoạch, xây dựng một số công trình phúc lợi như trường học ở một số địa phương phải tạm dừng, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh và người dân. Đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng đề nghị tỉnh cần dừng triển khai 2 dự án thủy điện trên địa bàn Kỳ Sơn, gồm thủy điện Nậm Mô I và thủy điện Mỹ Lý.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đặc biệt trăn trở trước thực trạng mất tư liệu sản xuất của người dân miền núi |
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Kỳ Sơn) cho rằng: “Không phủ nhận hiệu quả kinh tế - xã hội mà các dự án thủy điện mang lại, nhưng hệ lụy cũng rất lớn và điều quan trọng là tâm tư, tình cảm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các huyện miền núi đều không mặn mà đến các dự án thủy điện. Hiện tại các dự án thủy điện được xây dựng và phát điện lấy tiền, còn dân mất đất, mất nhà, bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường và công tác tái định cư cũng vô cùng vất vả. Hệ lụy của nó cũng rất lâu dài”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chỉ rõ: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, có đến 80 % cử tri bàn đến vấn đề thuỷ điện. Cử tri quyết liệt phản đối việc xây dựng nhà máy thủy điện. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, ngoài các thủy điện đã được vận hành, tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, lại có thêm 5 nhà máy thủy điện được xây dựng mới. Việc có nhà tái định cư, có điện đường trường trạm đã làm cho cuộc sống của đồng bào ổn định hơn, nhưng cái mà dân mất rất lớn là mất đất, mất nhà, mất việc làm. Đại biểu Nguyễn Hữu Câu đề nghị HĐND tỉnh Nghệ An cần có một chuyên đề giám sát việc xây dựng nhà máy thủy điện và những tác động của hậu thủy điện.