Linh hoạt trong bối cảnh mới
Giờ đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, những quy trình kiểm soát đã làm chậm lại đà thông quan, xe chở hàng ùn ứ tại các bãi đã được mở rộng chỗ đỗ. Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, đã có lúc, 5 ngày liền, giao thương qua biên giới không thông quan được xe nào. Chỉ tính riêng hai tỉnh đầu cầu quan trọng nhất về giao thương của Việt Nam là Lạng Sơn và Lào Cai, nếu dừng 1 tháng, thiệt hại cỡ 100 - 200 triệu USD và nếu kéo dài 2 tháng, con số này có thể lên đến 600 - 700 triệu USD.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (bìa trái) kiểm tra thực tế hoạt động của doanh nghiệp (ngày 5/3/2020) |
Câu chuyện xuất nhập khẩu không chỉ là thông quan hàng hóa, tiểu ngạch hay chính ngạch mà xa hơn nữa là chuyện khơi thông thị trường. Chưa lúc nào, mối quan hệ giữa thị trường trong và ngoài nước được đặt ra bức thiết như hiện nay. Có thể thấy rõ hơn triết lý mới của việc xây dựng chính sách để tháo gỡ ách tắc không chỉ vài nghìn xe hàng, bảo đảm đích đến cho những hàng hóa mà còn là sự vận hành của một nền kinh tế có độ mở rất cao như Việt Nam. Triết lý đó, nói như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mọi giải pháp phải hướng mạnh đến doanh nghiệp (DN), tổ chức, người dân.
Cũng chính từ triết lý ấy, tại các cuộc giao ban làm việc với lãnh đạo đơn vị trực thuộc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhiều lần yêu cầu phải thay đổi mạnh mẽ tư duy, thay vì chỉ tập trung vào chức năng nhiệm vụ thuần túy. Phải ở tâm thế nhìn tổng thể bối cảnh, liên tục nắm bắt thực tế mới nảy sinh để cùng phối hợp giải quyết. Đó là tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và ông cũng đòi hỏi rất cao, quyết liệt từ góc độ một ngành nắm đến 60 - 70% GDP của cả nước mà ông là Tư lệnh.
Nhưng giải pháp đưa ra cũng không thể chung chung. Thay vào đó, phải biết DN cần gì ở những thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” của nền kinh tế khi đối phó với dịch bệnh; để khi DN gồng hết sức qua dịch, vẫn còn niềm tin vào chính sách, các giải pháp đề ra phát huy rõ tác dụng và còn sức để tiếp tục tái cơ cấu. Chưa bao giờ, lợi ích DN và đời sống người lao động lại gắn bó với nhau như lúc này.
Cục trưởng Phan Văn Chinh mới đây cho biết, chưa khi nào, đơn vị ông chỉ trong vòng chưa đến 3 tháng mà đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành đến 15 thông tư, văn bản chuyên môn. Điều này cho thấy, những nỗ lực không chỉ riêng của đơn vị ông mà cả sự quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ và “chung tay” của các đơn vị chức năng khác thuộc Bộ. Để từ đó, bảo đảm sự thông thương cao nhất đến mức có thể cho hàng hóa, nguồn cung đầu vào cho DN trong nước không chỉ ở đầu cầu biên giới mà tới các thị trường khu vực và xa hơn nữa.
Trong những ngày cao điểm dịch bệnh Covid-19 cũng là lúc các cục, vụ chức năng của Bộ “chạy đua” với thời gian, công văn đi, công văn đến, tổ chức gặp gỡ DN, hiệp hội ngành hàng để nắm bắt thực tế nảy sinh. Đây cũng là thời điểm thực tế điều hành nảy sinh nhiều điều mới mẻ; xúc tiến thương mại gặp nhau trên màn hình video; trao đổi những vấn đề cốt tử của kinh tế, thương mại qua liên lạc đường dài thay vì gặp trực tiếp như trước đây. Hiệu quả mang lại cũng rất ấn tượng.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, sau buổi giao thương trực tuyến giữa các DN Việt Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức mới đây, kết nối giao thương đã đạt tới con số 3,9 triệu USD. Hiệu quả đến mức, Tham tán thương mại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội Hồ Tỏa Cẩm đã đề xuất Bộ Công Thương Việt Nam nên có công hàm gửi Ủy ban Thương mại quốc tế Trung Quốc để tiếp tục có những cuộc xúc tiến thương mại với DN các tỉnh Trung Quốc. Tới đây, một sự kiện tương tự giữa DN Việt Nam với DN tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng sẽ diễn ra với sự tham gia của 200 DN. Dự kiến, trong tháng 5 sẽ có các sự kiện với DN Singapore và Ấn Độ.
Điều mới mẻ từ điều hành quyết liệt và nắm bắt thực tiễn, đồng hành cùng DN đã khơi dậy nội lực, khả năng mới của DN. Câu chuyện sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn là một ví dụ. Các đơn vị thuộc Bộ, Thương vụ… khẩn trương tìm DN đáp ứng nguồn cung vải; nghiên cứu nguồn nguyên liệu tại chỗ để chủ động cũng như phối hợp cùng Bộ Y tế xây dựng quy chuẩn khẩu trang. DN dệt may chủ động, nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu một mặt hàng quan trọng mà cách đây mấy tháng không ai nghĩ đến.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết, trong khi DN trong nước có khả năng cung ứng đến 11 triệu khẩu trang/ngày thì lượng khẩu trang xuất khẩu thời gian gần đây đã đạt đến 37 triệu chiếc. Dịch bệnh còn kéo dài thì không chỉ khẩu trang mà việc sản xuất các vật phẩm, thiết bị y tế cũng được xem là một hướng đi khả thi.
Bình ổn thị trường, ổn định đời sống người dân
Một điều ai cũng nhận thấy, giữa tâm dịch, ngay cả các nền kinh tế phát triển cũng đối diện với những thách thức từ thị trường, người dân đi vét nhu yếu phẩm, thì tại Việt Nam, tình hình thị trường hàng hóa được kiểm soát rất tốt, tạo thêm hình ảnh đẹp cho đất nước. Từ các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hàng hóa thiết yếu cho đời sống nhân dân vẫn hoàn toàn được đáp ứng. Lực lượng quản lý thị trường đã đóng góp không nhỏ vào thành công trong bình ổn thị trường với việc quyết liệt xử lý tận gốc những hành vi găm hàng, cố tình lợi dụng “đục nước, béo cò” tại các địa phương với việc xử lý 8.445 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính ước đạt 4,33 tỷ đồng. Cùng đó, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số bên cạnh việc chung tay góp phần đưa hình thức thương mại điện tử nhanh chóng đến với người tiêu dùng cũng đã “hạ bệ” trên 17.000 cửa hàng “ảo”, dỡ trên 34.000 mặt hàng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng…
Câu chuyện thành công này chắc chắn sẽ còn tiếp tục được mổ xẻ, tổng kết sâu thêm để có thể tạo cơ sở cho việc nâng cấp các hệ thống phân phối trong nước theo hướng hiện đại hơn. Song, nói như ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, điều này cho thấy, tầm quan trọng của việc kết nối cung - cầu trong mọi hoàn cảnh. DN bán lẻ cũng cần có hướng quản trị kinh doanh mới để cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ còn ngấp nghé thị trường Việt Nam. Cũng trong câu chuyện bình ổn thị trường trong nước nhìn từ đợt dịch Covid-19, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đặt vấn đề rất rốt ráo: Về lâu dài, các hình thức vận động tiêu dùng hàng Việt sẽ dần hoàn thành sứ mệnh. Cần phải có các giải pháp, chính sách hỗ trợ DN bán lẻ trong nước để tạo sự phát triển bền vững hơn và công việc này phải được làm từ bây giờ.
Giờ đây, khi dịch Covid-19 dần được kiềm chế, cũng là lúc kế hoạch hành động với các giải pháp phát triển hậu Covid-19 của Bộ Công Thương đang nhanh chóng được hình thành. Yêu cầu mới đã được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt ra, đó là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực; bảo đảm yêu cầu về tăng trưởng cho năm 2020 và những năm tiếp theo; tiếp tục tăng cường theo dõi sát tình hình; duy trì quan hệ làm việc chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng để cập nhật kịp thời những diễn biến mới tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, có biện pháp đề xuất mang rõ tinh thần “căn cơ hơn, thấu đáo hơn”, hoàn thiện và đảm bảo hiệu quả chung trong chính sách điều hành của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương.
Chưa có ngay đánh giá hiệu quả, tác dụng của 127 đề mục công việc mà các đơn vị chức năng Bộ Công Thương đã tiến hành từ đầu dịch Covid-19 đến nay, nhưng có thể thấy, những nỗ lực đã được minh chứng bằng thành công quan trọng bước đầu. |