Từ nhận thức đến hành động
Với vai trò là “xương sống” của ngành điện, bộ phận quan trọng nhất trong hạ tầng cơ sở của ngành điện, EVNNPT xác định công tác CĐS là hết sức quan trọng và cần được triển khai mạnh mẽ. Năm 2021 cũng là năm EVNNPT chọn chủ đề “CĐS trong EVNNPT” nhằm đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học - công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trong toàn tổng công ty.
![]() |
Thi công xây lắp tại TBA 220 kV Sơn Hà |
Để công tác CĐS tại NPTPMB được hiệu quả, Ban Chỉ đạo và Tổ công tác CĐS và Ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của NPTPMB đã được thành lập, theo đó Giám đốc trực tiếp là Trưởng ban Chỉ đạo; Phó giám đốc Nguyễn Quang Anh là Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Thường trực.
Chia sẻ về việc triển khai công tác CĐS của NPTPMB, ông Nguyễn Quang Anh cho biết: “CĐS thực chất là quá trình thay đổi không chỉ về hạ tầng vật chất mà còn phải thay đổi về ý thức. Do vậy, NPTPMB đã mời các chuyên gia về lĩnh vực CĐS của EVNNPT tới cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Nhận thức về CĐS tại NPTPMB” cho toàn thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV), đồng thời cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo về CĐS do EVN và EVNNPT tổ chức”.
Để xây dựng một văn phòng số, lãnh đạo NPTPMB luôn quán triệt đến tất cả các đơn vị trong NPTPMB khai thác tối đa tiện ích của chương trình D-Office. 100% CBCNV có chức trách, nhiệm vụ đã được cấp chữ ký số và được áp dụng trong các ứng dụng/giao dịch quản lý nội bộ trên D-Office. Phần mềm đã phát huy tối đa hiệu quả trong thời gian vừa qua khi Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. D-Office đã thực sự giúp lãnh đạo có thể điều hành công việc từ xa thông qua các thiết bị điện tử thông minh, CBCNV làm việc ở các bộ phận khác nhau cũng quản lý công việc dễ dàng, trình duyệt văn bản, gửi nhận công văn thuận tiện, khắc phục tình trạng thất lạc, tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm… Đây cũng là chương trình được ứng dụng để từng bước xây dựng một văn phòng làm việc hiện đại và chuyên nghiệp hơn.
![]() |
Công tác nghiệm thu, kiểm tra chất lượng |
Bên cạnh D-Office, NPTPMB cũng triển khai ứng dụng nhiều phần mềm trong công tác tổng hợp, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng như EPP, IMIS, HRMS... Cùng với đó, NPTPMB cũng sử dụng đa dạng phần mềm họp trực tuyến khác nhau như Zoom Cloud meetings, hệ thống hội nghị truyền hình Polycom, Google Meet… Việc ứng dụng các phần mềm đã giúp cho công việc của Ban được giải quyết nhanh chóng, không bị gián đoạn trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Hiện nay, NPTPMB đang tích cực triển khai Dự án Nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình, đẩy mạnh các cuộc họp trực tuyến, họp không giấy tờ.
Trong quá trình thực hiện CĐS, NPTPMB luôn tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của EVN và EVNNPT trong định hướng CĐS và tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, tận dụng thành tựu nghiên cứu của cuộc CMCN 4.0 nhằm đáp ứng tốt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đảm bảo tiến độ thi công các dự án
Trong thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nhiều đến công tác đầu tư xây dựng của NPTPMB. Theo đó, ảnh hưởng trước hết là công tác vận chuyển thiết bị cũng như một số công việc liên quan đến vị trí xây dựng trạm và hướng tuyến đường dây đấu nối, thỏa thuận mở rộng trạm, giải phóng mặt bằng, thẩm duyệt thiết kế… của một số dự án như: Lắp MBA thứ 3 TBA 220kV Nhà Bè tại TP. Hồ Chí Minh; TBA 220kV Bắc Tân Uyên và đường dây đấu nối, lắp MBA thứ 2 TBA 220kV Cần Đước tỉnh Long An; TBA 220kV Gia Lương (Bắc Ninh 6); nâng công suất TBA 220kV Sơn Hà, lắp MBA 110kV TBA 220kV Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi, nâng công suất TBA 220 kV Huế từ (125+250) MVA lên 2x250 MVA tỉnh Thừa Thiên Huế…
Việc cung cấp thiết bị cho các dự án đã bị chậm hơn so với kế hoạch đồng thời chi phí phát sinh tăng lên do phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch… Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Anh chia sẻ: “Đảng ủy NPTPMB đã có những chỉ đạo sát sao, đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động quản lý dự án tại NPTPMB. Chúng tôi cũng chỉ đạo điều phối phương án làm việc từ xa đảm bảo hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành. Đồng thời thành lập các Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tại công trình và xây dựng phương án ứng phó dịch Covid-19 tại hiện trường các dự án… Nhờ đó, các dự án thi công đều đảm bảo tiến độ và môi trường an toàn cho người lao động”.
Bên cạnh việc tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác CĐS, phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo tiến độ thi công các dự án, NPTPMB cũng đã rà soát, sửa đổi và ban hành một số văn bản cho phù hợp với tình hình mới; đồng thời tập trung nguồn lực xác định nhiệm vụ và phát triển các trọng tâm CĐS đối với từng lĩnh vực...
Thời gian tới, Ban quản lý Dự án truyền tải điện NPTPMB quyết tâm thực hiện thành công công tác CĐS theo Kế hoạch CĐS trong EVNNPT giai đoạn 2021-2025, cải thiện hiệu quả hoạt động, cải thiện sự tích hợp và hợp tác nội bộ, mang lại môi trường làm việc chuyên nghiệp cho NPTPMB. |