Ban Kinh tế TW thẩm định phương án kết thúc đàm phán TPP
Nhập khẩu thiết bị qua Cảng Dung Quất, Quảng Ngãi. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN) |
Báo cáo và các ý kiến thảo luận tại Hội nghị nhấn mạnh một trong những điểm nổi bật góp phần thành công trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác của Ban Kinh tế Trung ương là Ban đã chủ động khảo sát, nghiên cứu, tổ chức tốt các hội thảo, tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia nhà khoa học để xây dựng đề cương các đề án, đảm bảo việc triển khai nghiên cứu đúng trọng tâm và đạt hiệu quả tốt.
Hội nghị công tác tham mưu về kinh tế xã hội của Ban Kinh tế Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, được tổ chức thành công, qua đó giúp định hình và nâng tầm công tác tham mưu về lĩnh vực kinh tế-xã hội tại các cấp ủy Đảng.
Hội nghị xác định từ nay đến cuối năm, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục tham gia góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu các Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 và xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Ban tập trung triển khai và phấn đấu sớm hoàn thành các đề án với chất lượng cao về các nội dung tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế vùng và liên vùng; đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả các loại hình doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Ban nghiên cứu chủ trương huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.
Ban Kinh tế Trung ương tập trung nghiên cứu Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp vật liệu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2035; Định hướng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ban nghiên cứu về biến đổi dân số của Việt Nam, định hướng chính sách nhằm phát triển bền vững; chủ trương, chính sách về phát triển du lịch; nghiên cứu các luận cứ khoa học và thực tiễn về phát triển kinh tế-xã hội tuyến biên giới đất liền.
Trong công tác thẩm định, Ban Kinh tế Trung ương tập trung nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất trong các báo cáo thẩm định về tình hình kinh tế xã hội; cơ chế chính sách đặc thù đối với dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân; phương án kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); Thẩm định các đề án về đặc thù kinh tế; chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nhằm phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...
Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó, chú trọng các Nghị quyết về vùng kinh tế./.