Theo đó, buổi làm việc về công tác sơ kết tình hình thực hiện các Nghị quyết 10, 11, 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII.
Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết 10, 11, 12 tại Bình Phước cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung, từng bước đưa nền kinh tế của tỉnh ngày càng hội nhập sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Phước. Ảnh: Báo Bình Phước |
Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính đối với khu vực kinh tế tư nhân được tăng cường và chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Các doanh nghiệp nhà nước sau khi cơ cấu, đổi mới đã từng bước hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả.
Tính đến năm 2023, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 11.682 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký gần 200 ngàn tỷ đồng. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP của tỉnh đạt trên 77% năm 2022 và phấn đấu đạt 80% vào năm 2025. Tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh ở mức khá, giai đoạn 2021-2023 đạt 8,03%.
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn chung nhưng tổng thể, nền kinh tế của tỉnh vẫn phát triển khá, các chỉ số cải cách hành chính luôn được cải thiện… Kết quả đạt được một phần phản ánh việc nghiêm túc triển khai các nghị quyết của trung ương, trong đó có các Nghị quyết 10, 11, 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII. Tuy vậy thực tế quy mô doanh nghiệp của tỉnh còn nhỏ, chưa có doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển ghi nhận sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt và đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình triển khai các nghị quyết trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đồng thời nhấn mạnh, những ý kiến thảo luận trực tiếp tại buổi làm việc là tiền đề quan trọng để Ban Kinh tế Trung ương bổ sung vào dự thảo đề án sơ kết thực hiện các nghị quyết về kinh tế của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII.