Bà Rịa - Vũng Tàu: Tuyên truyền giảm rác thải nhựa Bà Rịa - Vũng Tàu: Đón siêu tàu du lịch đưa hơn 3.800 du khách quốc tế đến Việt Nam |
Ngày 6/4, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án và lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ, việc thực hiện Nghị quyết 41 có vai trò quan trọng không chỉ với ngành dầu khí, mà còn tạo cơ hội cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bứt phá và trở thành một “cực” tăng trưởng, một trung tâm của công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, không chỉ là dầu khí mà còn của điện gió, điện gió ngoài khơi cũng như các loại năng lượng tương lai.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng gợi mở 5 vấn đề cần tập trung thảo luận. Thứ nhất là kết quả thực hiện Nghị quyết 41, liên quan đến việc quán triệt, tổ chức quán triệt, kết quả công tác thể chế hóa và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của nghị quyết tại địa phương. Thứ hai, làm rõ vai trò, vị trí của dầu khí đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và những vấn đề đặt ra trong phát triển ngành này tại tỉnh; cơ chế phối hợp giữa ngành dầu khí và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thứ ba, phát triển hạ tầng và trọng tâm là hạ tầng kỹ thuật dầu khí. Thứ tư, sự tham gia của Bà Rịa - Vũng Tàu vào phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện gió ngoài khơi. Và cuối cùng là cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành dầu khí, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí tại tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết, thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa Nghị quyết 41 và các nghị quyết liên quan đến kinh tế biển, năng lượng và công nghiệp đã được Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai kịp thời, đồng bộ, qua đó tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả; phục vụ hoạt động quản lý nhà nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, là nguồn lực quan trọng để phát triển các ngành, lĩnh vực khác, cũng như bảo đảm quốc phòng - an ninh…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 41 vẫn còn một số hạn chế như trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt; các dự án thu gom khí ngoài khơi dừng, giãn tiến độ theo kết quả thẩm lượng và tiến độ phát triển mỏ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của các công ty dầu khí; những vướng mắc về thủ tục đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện đầu tư dự án, công trình dầu khí tại địa phương…
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trần Tuấn Anh biểu dương những kết quả tích cực mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được trong trong việc nghiên cứu, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 41.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo |
Nhấn mạnh mục tiêu đã nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tiếp tục phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Đây là 4 trụ cột động lực tăng trưởng của tỉnh, trong đó chú trọng ngành dầu khí… Do đó, ngành dầu khí mà trực tiếp là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng UBND tỉnh và các sở ngành cần chú trọng phối hợp. Đồng thời yêu cầu Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần tiếp tục nghiên cứu, chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra cần có cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, đồng thời phối hợp đào tạo với các các đô thị đặc biệt như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc các trung tâm đô thị lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ là nơi có các cơ sở đào tạo uy tín, quy mô lớn… tận dụng những thành tựu và cơ hội của của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy nhanh yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đoàn công tác thăm và làm việc tại Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ |
Cùng với đó, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng cần phối hợp với các bộ ngành liên quan về một số nội dung có liên quan đến phát triển của ngành dầu khí, cần cụ thể hóa các chủ trương của Bộ Chính trị và kế hoạch hành động của Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch chi tiết trên cơ sở tính toán kỹ các nguồn lực thực hiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn; chú trọng triển khai có kế hoạch đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành dầu khí trong thời gian tới, đặc biệt là các nội dung về công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ các dịch vụ ngành dầu khí.
Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đến các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng chí Trần Tuấn Anh yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, làm rõ trong thời gian sớm nhất, theo chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Đoàn công tác với mẫu dầu Bạch Hổ lấy từ giàn Công nghệ Trung tâm số 2 |
“Đối với phát triển điện gió ngoài khơi liên quan đến sự tham gia, đầu tư của một số doanh nghiệp dầu khí trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế Trung ương sẽ rà soát quy định liên quan để đề xuất tháo gỡ cho ngành dầu khí trong quá trình xây dựng Đề án theo hướng phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển và phát huy tốt nhất tiềm năng lợi thế của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển điện gió ngoài khơi”, đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định.
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tại Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. Tại buổi làm việc, Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao hoạt động của Petrovietnam đã có tác động trực tiếp, mạnh mẽ làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cũng như sự tăng trưởng kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều địa phương khác. Cùng với đó, Petrovietnam tích cực góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.
Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, trong quá trình xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW để trình Bộ Chính trị trong quý II/2023, Ban Kinh tế Trung ương sẽ nghiên cứu kỹ các cơ sở khoa học và thực tiễn sớm báo cáo Bộ Chính trị về một số kiến nghị, đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là tạo động lực về thể chế để Tập đoàn phát triển bền vững theo hướng là tập đoàn kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, năng lượng dầu khí.