Công trình trạm sạc cho ô tô điện là kết quả hợp tác giữa EVNCPC và PVOIL trong dự án “Nghiên cứu, lắp đặt thử nghiệm trạm sạc cho ô tô sử dụng điện năng lượng mặt trời tại cửa hàng xăng dầu PVOIL”.
Các bên ký kết nghiệm thu và bàn giao công trình trạm sạc cho ô tô sử dụng điện năng lượng mặt trời |
Dự án chính thức được triển khai từ tháng 11/2019, dựa trên nguyên tắc chia sẻ chi phí và tận dụng nguồn lực sẵn có của 2 đơn vị.
Dưới sự ủy quyền của EVNCPC, trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) đã phối hợp cùng PVOIL đưa vào vận hành 01 hệ thống năng lượng mặt trời và 02 trạm sạc ô tô điện tại cửa hàng xăng dầu Lê Văn Hiến (địa chỉ lô A1.4, đường Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) và cửa hàng xăng dầu Hòa Xuân (địa chỉ lô 293, đường Trần Nam Trung, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng).
Hệ thống năng lượng mặt trời của PVOIL tại cửa hàng xăng dầu Lê Văn Hiến do CPCEMEC lắp đặt, có công suất 13,86 kWp, thiết bị chính gồm 36 tấm pin năng lượng mặt trời công suất 385 Wp, và 1 bộ biến tần (inverter) hòa lưới 3 pha công suất 12 kW.
Trạm sạc nhanh cho ô tô điện (EV Quick Charger) do CPCEMEC nghiên cứu và chế tạo có công suất 60 kW, sử dụng nguồn cung cấp 380VAC từ lưới điện hạ áp 3 pha 4 dây, dải điện áp sạc rộng từ 300÷750VDC và dòng điện sạc 0÷80A, đáp ứng nhu cầu sạc nhanh trong vòng 20 – 30 phút tùy theo dung lượng pin của từng chủng loại xe điện, được tích hợp phương thức thanh toán phí sạc điện bằng mã QRCode trên Mobile Banking với nhà cung cấp VNPay và tương thích với hệ thống thanh toán tiền điện tại Việt Nam. Sản phẩm được sản xuất tuân theo chuẩn sạc CHAdeMO của Châu Á và có thể mở rộng tích hợp được nhiều chuẩn trên cùng 1 trạm sạc (CCS-Châu Âu, GB/T-Trung Quốc), và có thể nâng công suất lên 120 kW để đáp ứng sạc cho xe tải hoặc xe buýt điện. Trạm sạc được thiết kế với kiểu dáng công nghiệp, màn hình hiển thị song ngữ Việt/Anh, có trang bị nút tắt khẩn cấp (Emergency), cảm biến phát hiện đóng/mở cửa tủ và các thành phần bảo vệ an toàn như chống sét, cảnh báo rò rỉ đất, báo cháy….
Cắt băng khánh thành công trình trạm sạc cho ô tô điện tại cửa hàng xăng dầu PVOIL |
Ông Lê Xuân Trình – Phó Tổng giám đốc PVOIL cho biết: dự án được triển khai với mục đích tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch, giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường của các phương tiện giao thông như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vền vững. Việc đưa vào vận hành trạm sạc ô tô điện sử dụng năng lượng mặt trời là dấu mốc đánh dấu việc tiếp năng lượng cho dòng xe ô tô chạy điện lưu hành trên thị trường nội địa trong thời gian tới. “Cùng với xu thế của thời đại, xe chạy điện sử dụng năng lượng sạch đang phát triển rất nhanh trên thế giới, vì một môi trường bền vững hơn. Vì thế những trạm cung cấp nguyên liệu cho xe ô tô chạy điện cũng cần được nhân rộng, để có lượng trạm sạc đáp ứng đủ cho xe chạy điện lưu hành trên địa bàn TP. Đà Nẵng và cả nước, tiến tới hình thành ngành cung cấp dịch vụ mới”, ông Trình nói.
Đại diện PVOIL cũng đề nghị TP. Đà Nẵng tiếp tục quan tâm ủng hộ xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở pháp lý trong việc quản lý, vận hành an toàn hệ thống các trạm sạc cho xe điện tại các cửa hàng xăng dầu, tiến tới mở rộng tại tất cả các khu vực phù hợp trong việc cung cấp năng lượng điện cho các xe ô tô chạy điện.
Chính thức đưa vào vận hành trạm sạc điện sử dụng năng lượng mặt trời cho xe ô tô điệnB |
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng thông tin: ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên cơ sở đó, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết, trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế khuyến khích việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng, xác định bảo đảm an ninh năng lượng là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. “Xe điện và trạm sạc năng lượng mặt trời sẽ là xu hướng và là 1 phần không thể thiếu trong tương lai trong việc thực thi các chính sách bảo vệ môi trường, gắn với mục tiêu giảm thiểu phác thải nhà kính, hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Đây cũng sẽ là lĩnh vực TP. Đà Nẵng khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia phát triển”, bà Mai nói và cho biết thêm Sở Công Thương cũng đang lập đề án nghiên cứu các điểm xây dựng trạm sạc xe ô tô điện, cơ chế khuyến khích sử dụng xe ô tô điện, trạm sạc cho xe ô tô điện trên địa bàn thành phố. TP. Đà Nẵng dự kiến đến năm 2025 sẽ khảo sát và xây dựng hơn 260 trạm sạc điện cho xe ô tô điện với tổng công suất 3.400 kW, và giai đoạn 2025 – 2030 sẽ lắp đặt hơn 500 trạm sạc điện với tổng công suất hơn 10.000 kW.
Trạm sạc được tích hợp phương thức thanh toán QRCode của VNPay, sử dụng song ngữ Anh Việt, có nút tắt khẩn cấp, hệ thống đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố.... |
Được biết, dự án “Nghiên cứu, lắp đặt thử nghiệm trạm sạc cho ô tô sử dụng điện năng lượng mặt trời tại cửa hàng xăng dầu PVOIL” là mô hình kết hợp giữa trạm xăng dầu truyền thống và trạm sạc ô tô điện hiện đại, kết hợp với hệ thống năng lượng mặt trời trên mái của các cửa hàng xăng dầu. Tại cửa hàng xăng dầu Lê Văn Hiến, trạm sạc sẽ lấy nguồn điện từ cả điện mặt trời và điện lưới để sử dụng, tối ưu điện năng. Khi không hoạt động, điện mặt trời sẽ được phát ngược lên lưới điện. CPCEMEC cũng đã lắp đặt thiết bị đo đếm công tơ từ xa để theo dõi thông số vận hành hệ thống để đảm bảo quá trình vận hành hệ thống điện mặt trời ổn định.