Sự kiện được tổ chức nhằm tìm kiếm các mô hình, giải pháp hiệu quả trong sản xuất lương thực và kiểm soát an toàn dinh dưỡng theo định hướng phát triển bền vững, cũng như tạo môi trường trao đổi học thuật, chia sẻ kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm giữa các nhà khoa học Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị khoa học |
Hội nghị quy tụ đông đảo các nhà khoa học, các nghiên cứu viên trẻ, lực lượng giảng viên trẻ và các sinh viên có nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh – cho biết, Hội nghị khoa học “An toàn dinh dưỡng và An ninh lương thực năm 2018” tập trung vào các báo cáo định hướng, công bố các công trình nghiên cứu tiêu biểu, thảo luận về mục tiêu và các giải pháp trước mắt và lâu dài về tình hình an ninh lương thực và an toàn dinh dưỡng của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tuy vấn đề an toàn dinh dưỡng và an ninh lương thực tuy không mới nhưng luôn mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và toàn xã hội.
Hội nghị khoa học nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các nghiên cứu viên trẻ... |
Trong phiên toàn thể, các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm và an ninh lương thực Việt Nam đã trình bày 3 tham luận nghiên cứu về định hướng phát triển lương thực bền vững trong tương lai về an toàn dinh dưỡng và An ninh lương thực như: Sản xuất nông sản an toàn sắn với an toàn thực phẩm; Một số chất kháng dinh dưỡng và độc tố có trong thực phẩm và những ứng dụng của công nghệ nano trong sản xuất thực phẩm.
Các nhà khoa học tại hội nghị đã công bố 12 kết quả nghiên cứu thuộc các chủ đề: công nghệ sau thu hoạch; chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn; vấn đề dinh dưỡng và tác động của dinh dưỡng đối với sức khỏe con người; sự tác động của an ninh lương thực đến nền kinh tế Việt Nam; các nghiên cứu về logistic trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm và một số chủ đề liên quan khác...
TS. Nguyễn Lệ Hà - Viện trưởng Viện Khoa học Ứng dụng Hutech (Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) trình bày báo cáo: Những ứng dụng của công nghệ nano trong sản xuất thực phẩm tại hội nghị |
Đặc biệt, trong chuyên đề báo cáo về an ninh lương thực, các nhà khoa học tập trung vào báo cáo định hướng, thực trạng và tình hình sản xuất lương thực - thực phẩm tại Việt Nam; nghiên cứu xây dựng và thử nghiệm các mô hình sản xuất thực phẩm mới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, gia tăng hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm thực phẩm tiêu dùng; đánh giá tác động của sản xuất thực phẩm lên sức khỏe và cuộc sống con người; giá trị sản lượng lương thực thực phẩm tại Việt Nam và những nguồn lợi từ thực phẩm mang lại cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thảo luận về mục tiêu, các giải pháp trước mắt và lâu dài về tình hình an ninh lương thực và an toàn dĩnh dưỡng của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Các báo cáo khoa học và kết quả thảo luận tại Hội nghị “An toàn dinh dưỡng và An ninh lương thực năm 2018”, là cơ sở để đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất về thực trạng và các giải pháp trong quy hoạch, phát triển hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm; các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm.
Hội nghị góp phần khuyến cáo người tiêu dùng về cách sử dụng nguồn dinh dưỡng an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội.