Ông Nguyễn Ngọc Oai - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết: Ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp để khắc phục khuyến nghị của EC.
Từ năm 2018 đến nay, không còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương. Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương thu hồi thiết bị của tàu cá dưới 24 mét để lắp đặt cho tàu cá có chiều dài trên 24 mét, tàu lưới kéo và tàu câu cá ngừ đại dương. Đến nay, sau khi sửa chữa đã phân bổ, lắp đặt 2.048 thiết bị. Hiện, Bộ NN&PTNT đang triển khai thực hiện dự án thông tin nghề cá giai đoạn II và xây dựng phương án thuê hạ tầng thông tin phục vụ giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành các quy định về thực hiện chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã cấp 4.589 giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản và 75 nghìn tấn thủy sản xuất khẩu vào EU; quý I/2019, cấp 856 giấy chứng nhận bằng 12 nghìn tấn thủy sản xuất khẩu vào EU. Hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện, đặc biệt, quy định khung xử phạt đối với các hành vi khai thác IUU được nâng cao gấp nhiều lần so với mức phạt trước đây để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm.
Ban Chỉ đạo về IUU họp bàn giải pháp gỡ “thẻ vàng” của EC đối với hải sản Việt Nam |
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, hiện không còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương, tuy nhiên, ở các vùng biển khác, tình trạng tàu cá vi phạm vẫn chưa chấm dứt. Năm 2018, số vụ vi phạm tiếp tục tăng so với năm 2017 với 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017 và trong 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp với 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm….
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, các địa phương cũng bước đầu thực hiện các quy định về khai báo, ghi chép, quản trị hoạt động khai thác cá bằng phần mềm. Tuy nhiên đến nay, các hoạt động chưa tạo ra được đột phá. Do đó, cùng với việc khắc phục “thẻ vàng” thì cần phải tái cơ cấu để chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững. Đây là hoạt động lâu dài, bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.
Theo kế hoạch, cuối tháng 10/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EU (DG-MARE) sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về IUU. Ông Nguyễn Ngọc Oai cho hay, đợt kiểm tra này đặc biệt quan trọng, đây là thời điểm EC đánh giá kết quả sau 2 năm Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC để có đủ luận chứng đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” hoặc áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU- đánh giá: xét về tổng thể các giải pháp, hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và cách thức tổ chức triển khai thực hiện trong thực hiện chống khai thác IUU thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Đặc biệt là tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra phổ biển, chưa có dấu hiệu chấm dứt; công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa tốt; việc xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp chưa nghiêm, chưa triệt để; nguồn lực cho hoạt động chống khai thác IUU chưa được đầu tư đúng mức…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại hạn chế chậm khắc phục trong công tác chống khai thác IUU của các bộ, ban, ngành có liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trong thời gian qua. Đồng thời, nghiêm túc đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chống khai thác IUU, chỉ rõ những yếu kém, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; xác định từng nhiệm vụ cụ thể gắn liền với trách nhiệm của từng bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển. Từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể mang tính thực tiễn về công tác chỉ đạo, điều hành, đầu tư nguồn lực về vật chất, con người, cách thức tổ chức triển khai thực hiện để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động chống khai thác IUU, ngày 20/5/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 596/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU). Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban nhằm quán triệt, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác triển khai ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam. |