Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 tại Đà Nẵng |
Sáng 26/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 tại Cảng neo đậu Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây hiện có hơn 350 tàu cá về neo đậu tránh bão, đạt 100% công suất của cảng.
Tại buổi kiểm tra, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4 của tỉnh Quảng Ngãi. Ông lưu ý bão số 4 (bão Noru) là cơn bão rất mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ngãi nên địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Đặc biệt khâu đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài việc chủ động trong kêu gọi các tàu thuyền neo đậu, hướng dẫn các tàu thuyền ngoài khơi tìm nơi tránh trú Quảng Ngãi cũng như các tỉnh miền Trung cần có những phương án dự phòng cho tình huống khó lường khi bão vào, trong đó có vấn đề sạt lở ở khu vực miền núi.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi |
Thông tin tại buổi kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, địa phương sẵn sàng di dời người dân vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển và vùng nguy cơ sạt lở núi đến các nơi tập trung như: Trường học, các trụ sở cơ quan và di dời ghép từ các nhà yếu, nhà không đảm bảo đến các nhà kiên cố để tránh bão số 4. Người dân địa phương không còn chủ quan khi ứng phó với bão nhưng điều quan tâm nhất là việc đi lại của người dân sau khi bão tan và sạt lở vùng xung yếu. Những vùng đông dân mà có nguy cơ cao chưa di dời được thì chủ động di dời. Những vùng nguy cơ cũ đã khắc phục rồi thì không còn nguy cơ nữa. Còn những nơi sườn đồi, nơi có vết nứt rất nguy cơ thì tỉnh tính toán cho di dời dân tránh sạt lở.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tạm hoãn các công việc chưa thực sự cần thiết để tập trung công tác phòng, chống khi bão Noru đổ bộ vào đất liền. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, từ 12h trưa nay (26/9).
Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, các địa phương tỉnh Quảng Ngãi sẵn sàng phương án di dời, sơ tán khoảng 24.600 hộ dân với hơn 84.400 người đến nơi an toàn.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến sáng 26/9, toàn tỉnh có 511 tàu/5.319 lao động đang hoạt động trên các vùng biển.
Tất cả các tàu, thuyền trên đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đối với các tàu đang ở khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa, hiện đang di chuyển về bờ, di chuyển xuống phía nam để tránh bão.
Huyện Lý Sơn triển khai các biện pháp ứng phó bão số 4 |
Đối với hơn 5.100 tàu cá đang neo đậu tại các khu neo đậu của tỉnh được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai lực lượng hỗ trợ ngư dân neo cột tàu thuyền bảo đảm an toàn. Các lực lượng vũ trang gồm quân sự, công an sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ chính quyền các địa phương và người dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.
Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu từ ngày 26/9 phải dừng thi công tất cả các công trình, nhất là công trình ven biển, ven sông có nguy cơ sạt lở cao để bảo đảm tính mạng và tài sản. Để phòng, chống bão số 4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới.