Bước sang tháng 5, diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước nói chung và TP. Hà Nội nói riêng đã có những dấu hiệu tích cực. Theo đó, các hoạt động kinh doanh thương mại bắt đầu trở lại hoạt động bình thường. Tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân trên địa bàn thành phố về cơ bản ổn định.
Trong 5 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 1.262 vụ |
Theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng 5, triển khai nhiệm vụ tháng 6/2020 của Ban Chỉ đạo 389 (BCĐ 389) TP. Hà Nội, với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND thành phố và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong BCĐ 389/TP, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn xảy ra trên địa bàn thành phố.
“Một số đối tượng tập kết hàng lậu từ nước ngoài để vận chuyển về Hà Nội nhằm kinh doanh, buôn bán kiếm lời. Điển hình, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện 02 vụ việc liên quan đến sản xuất phụ tùng ôtô hàng giả” - ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục QLTL Hà Nội, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 389 TP. Hà Nội cho hay.
Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm lớn về thực phẩm (bánh kẹo, nước giải khát, sữa chua uống, bột pha chế, trà, siro, đường đen...) không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, tính đến ngày 18/5/2020, các lực lượng chức năng trong BCĐ 389/TP đã thanh tra, kiểm tra: 758 vụ, xử lý hành chính 318 vụ, với tổng số tiền xử phạt 2,432 tỷ đồng.
Tính đến ngày 18/5/2020, Cục QLTT Hà Nội đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ số hàng hoá vi phạm là 1.749.614 khẩu trang y tế các loại, trong đó Cục QLTT Hà Nội đã bàn giao trên 300.000 chiếc khẩu trang y tế, 1.500 chai nước rửa tay sát khuẩn đã được kiểm định cho Sở Y tế Hà Nội theo quy định.
Bên cạnh đó, Cục còn thu giữ 4.551 sản phẩm dung dịch cồn các loại; 35.600 đôi găng tay y tế; 2.647 bộ quần áo phòng dịch; 185 chiếc kính bảo hộ y tế; 927 chiếc áo phẫu thuật; 605 chiếc thẻ đeo khử khuẩn; 847 chiếc nhiệt kế điện tử nhập lậu.
Liên quan tới công tác chống buôn lậu, BCĐ 389 cũng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng nhằm triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đặc biệt, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và các phòng nghiệp vụ có liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, với Cục Hải quan thành phố, lực lượng này cũng tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ tại sân bay quốc tế Nội Bài và các địa bàn thuộc hải quan quản lý đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có dịch Covid-19…
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, phối hợp giữa các lực lượng, trong tháng 5/2020, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 1.262 vụ; xử lý: 875 vụ. Khởi tố 4 vụ đối với 6 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 108 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 13 vụ; gian lận thương mại 754 vụ.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả trong những tháng tiếp theo, BCĐ 389 TP. Hà Nội đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch để chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.
“Tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), ga đường sắt Yên Viên, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài,... các mặt hàng trọng điểm như rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống,…” - ông Chu Xuân Kiên cho biết thêm.
Ngoài ra, BCĐ 389 thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật: một mặt thông tin về kết quả hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng trong BCĐ 389/TP. Mặt khác, thông qua các vụ việc xử lý để cảnh báo cho người dân các phương thức làm ăn phi pháp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp.