Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, (kỳ báo cáo từ ngày 14/6 - 15/7), trong tháng 7, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 3.182 vụ; xử lý: 3.025 vụ. Khởi tố 09 vụ đối với 17 đối tượng. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 390 tỷ đồng.
Trong đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã kiểm tra 483 vụ, xử lý 462 vụ, phạt hành chính 5 tỷ 513 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm 6 tỷ 341 triệu đồng.
Công an Thành phố Hà Nội đã kiểm tra 203 vụ, xử lý 206 vụ (trong đó xử lý 03 vụ tồn), phạt hành chính 1 tỷ 916 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm 3 tỷ 945 triệu đồng. Khởi tố 05 vụ đối với 14 đối tượng.
Cục Hải quan Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 110 vụ, phạt hành chính 1 tỷ đồng; truy thu thuế 2 tỷ 400 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm 10 tỷ 900 triệu đồng.
Ban chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tháng 7 vẫn còn khá phổ biến và phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhóm hàng như: thực phẩm, hàng may mặc, thời trang, mỹ phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, thuốc lá, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện...
Toàn bộ số quạt điện nhập lậu bị Đội Quản lý thị trường số 24 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Ma tuý Công an huyện Hoài Đức tạm giữ và tiếp tục xác minh làm rõ |
Đặc biệt trong tháng 6 và 7 do thời tiết nắng nóng cao điểm, nhiều khu vực bị cắt điện luân phiên nên một số đối tượng đã lợi dụng tình hình kinh doanh mặt hàng quạt tích điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Điển hình, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của Ban chỉ đạo 389 Thành phố do Đội Quản lý thị trường số 17 - Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội là Trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị thành viên trong đoàn tiến hành khám phương tiện vận tải đang dừng đỗ tại đường Quốc lộ 3, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội thu giữ 128 chiếc quạt điện có dấu hiệu nhập lậu. Đội Quản lý thị trường số 24 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Ma tuý Công an huyện Hoài Đức kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh hàng hoá và thu giữ gần 5.000 sản phẩm là quạt phun sương, quạt laptop, bảng tự xoá, mũ chống nắng, bút thử điện... không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 22/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 14 kiểm tra tại địa chỉ D10-10 Cụm công nghiệp làng nghề Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội do ông Phạm Văn Sơn là người đại diện phát hiện 1.324 sản phẩm mỹ phẩm như kem chống nắng, váng sữa chai sữa tắm, xịt khoáng...
Trước đó, ngày 14/6, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 Thành phố, do Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), phát hiện và tạm giữ 2.735 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ là hàng hoá nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 150 triệu đồng.
Lực lượng chức năng đã ban hành quyết định xử phạt cơ sở này 90 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu và 7,5 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
Ngày 20/6, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra cơ sở kinh doanh Shopkiss, địa chỉ số 6 ngõ 165 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Kết quả, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính cơ sở này 55 triệu đồng về các hành vi: kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và buộc cơ sở tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm gồm 126 sản phẩm hỗ trợ tình dục và thực phẩm bổ sung trị giá hơn 180 triệu đồng.
Ngày 23/6, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (công an huyện Đông Anh, Hà Nội) kiểm tra địa điểm kinh doanh thuộc Công ty CP kinh doanh Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Nguyễn, địa chỉ thị trấn Đông Anh (Hà Nội), phát hiện tại cơ sở này có 42.025 m2 gạch ốp lát các loại, do nước ngoài sản xuất, chưa có hóa đơn và có hóa đơn; không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định… Tổng giá trị hàng hoá có dấu hiệu vi phạm hơn 5,2 tỷ đồng.
Căn cứ hồ sơ vụ việc, Đội Quản lý thị trường số 9 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật tới cơ quan công an huyện Đông Anh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đội QLTT số 11 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chuyển hồ sơ và tang vật của vụ việc kiểm tra Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Thiên Kim Group sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hà Đông để tiếp tục xác minh, điều tra. |
Ngày 4/7, Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với công an quận Hà Đông và Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ Thiên Kim Group) tại địa chỉ lô 01 - CTT04, Luxury Kiến Hưng, Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội), phát hiện và tạm giữ 6.684 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe SLIM BE, viên uống hỗ trợ giảm cân SBODY Healthy Supplement, viên uống hỗ trợ tăng cân Uweight Dietary Supplement, 1 chiếc máy dán nhãn GPG Gearhead 5GN-10k và nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe SLIM BE.
Toàn bộ số hàng hoá, nguyên liệu, máy móc phục vụ việc sản xuất, đóng gói trên không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định.
Vụ việc có dấu hiệu về vi phạm sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất cấm.
Đội Quản lý thị trường số 11 đã chuyển hồ sơ và tang vật vi phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra (công an quận Hà Đông) để tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật...