Những trận mưa lớn liên tiếp, cộng thêm việc Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ, những ngày gần đây, mực nước sông Hồng dâng cao, nhiều địa điểm ngập lụt khiến cuộc sống người dân thuộc lưu vực sông bị đảo lộn. Thay vì di chuyển bằng phương tiện giao thông thường ngày, người dân ở bãi giữa sông Hồng phải ngồi thuyền đi học, đi làm...
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại đường nhánh dân sinh kết nối khu vực nội đô và bãi giữa sông Hồng ở ngõ 76 phố An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội), nước dâng cao khiến lối đi hàng ngày bị ngập sâu, có nơi ngập đến 2 - 3m.
Từ từ chèo lái chiếc thuyền, anh Anh Phạm Cao Nhất (quận Tây Hồ, Hà Nội) đỡ từng người xuống đất an toàn khi thuyền đã cập bờ. Anh cho biết, đã gần cả tháng nay, nhiều người dân sinh sống và canh tác tại khu vực bãi giữa phải sử dụng thuyền, xuồng để đi lại. Cứ 5h sáng, anh lại túc trực, cho thuyền đỗ tại khu vực cuối ngõ 76 phố An Dương để chở những người có nhu cầu đi lại vào bãi giữa. Giá mỗi lượt đi bằng thuyền là 10.000 đồng/người. "Ở đây có 2 chiếc thuyền của người dân lấy về để phục vụ việc đi lại, chiếc thuyền này của gia đình tôi nên đem riêng ra sử dụng", anh Nhất cho biết.
Không chỉ khiến việc đi lại trở nên khó khăn và bất tiện, cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây cũng đều bị ảnh hưởng. Ngồi trên thuyền với vẻ mặt mệt mỏi, anh Phạm Quang Khải (Tây Hồ, Hà Nội) than thở, hàng ngày, nếu đưa con đi học chỉ mất khoảng 10 - 15 phút cho con ăn sáng, đưa đến tận trường. Thế nhưng, từ khi nước dâng cao ngập lối đi khiến cả gia đình anh phải dậy sớm hơn cả tiếng đồng hồ. "Ngày nào cũng phải dậy sớm chờ đợi để đưa con cái đi học bằng thuyền, chưa kể đường xá ùn tắc, nhưng là bậc làm cha mẹ ai nỡ để con mình nghỉ" - anh Khải bộc bạch.
Việc nước ngập dâng cao cũng khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh lao đao. Được biết, khu vực bãi giữa có hơn 100 hộ dân làm nghề canh tác hoa màu như chuối, ngô, khoai... Để không làm gián đoạn việc tiêu thụ sản phẩm, chăm sóc gia cầm, đặc biệt là những loại trái cây, những nông dân đang canh tác tại khu vực bãi giữa sông Hồng luân phiên sử dụng thuyền máy, thuyền tôn, thuyền nhựa… để vận chuyển nông sản. Ngoài việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ, thuyền cũng là phương tiện để các nông dân vận chuyển vật dụng thiết yếu vào bãi phục việc sản xuất nông nghiệp.
Dự kiến sẽ phải mất thêm khoảng 1 tháng nữa nước lũ mới có thể rút hết. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho biết, Hà Nội khả năng có nắng gián đoạn về trưa và chiều; mưa thường xảy ra vào chiều tối và đêm. Tổng lượng mưa tại khu vực phía Bắc và trung tâm thành phố từ 30 - 60mm, có nơi cao hơn 100mm, phía Tây và phía Nam 20 - 50mm, có nơi cao hơn 80mm.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại khu vực bãi giữa sông Hồng bị nước ngập dâng cao, gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân:
|
Ngõ 76, phố An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) - một trong hai con đường dẫn ra bãi giữa sông Hồng đang bị ngập sâu từ 2-3m, dài khoảng 200m. |
|
Những ngày qua người dân ra vào bãi giữa phải đi bằng thuyền, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn. |
|
Tại đây có cả dịch vụ chở người qua chỗ ngập. |
|
Có gia đình tự trang bị thuyền để chủ động di chuyển. |
|
Đáng chú ý, cuộc sống của người dân không chỉ bị đảo lộn mà còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khi các loại rác thải đổ dồn và ứ đọng tại các điểm ngập lụt. |
|
Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây, tại các vùng xảy ra mưa lũ đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, trong đó có nguy cơ lây lan dịch bệnh. |
|
Anh Phạm Cao Nhất (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Ngày nào gia đình tôi cũng túc trực tại đây để chở người dân qua bờ bên kia để đi lại". |
|
Cảnh phụ huynh đưa con đi học trên những con thuyền nhỏ trở nên quen thuộc trong những ngày gần đây. |
|
Người dân đây phải chật vật tìm cách vận chuyển các đồ đạc thiết yếu. |
|
Người dân tại khu vực này cho rằng, có thể sẽ phải mất khoảng 1 tháng nữa nước mới rút hết và cuộc sống trở lại bình thường. |