Đi tìm lời giải bài toán đứt gẫy nguồn cung xăng dầu

Bài 3:“Xe cứu thương vượt đèn đỏ” và bài học tôn trọng quy luật kinh tế trong "cú sốc" xăng dầu

Mâu thuẫn giữa áp lực kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và sự lạc hậu của các qui định tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu đã tạo ra đứt gẫy hệ thống phân phối
Bài 1: Toàn cảnh bức tranh thiếu hụt, đứt gẫy chuỗi cung ứng xăng dầu Bài 2: Hệ thống phân phối xăng dầu “5 tầng”: Liều thuốc trước mắt và “cuộc đại phẫu”

Năm 2022 Việt Nam tăng 50 bậc trên bảng xếp hạng giá xăng quốc tế

Năm 2022, trong bối cảnh thị trường xăng dầu có rất nhiều biến động như nêu ở trên, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực ổn định giá xăng dầu, một vật tư chiến lược ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và hàng hóa tiêu dùng. Tính đến nay, giá xăng dầu trên thế giới nhiều nước tăng cao.

Bài 3:“Xe cứu thương vượt đèn đỏ” và bài học tôn trọng quy luật kinh tế trong
Việt Nam là một trong những quốc gia có giá xăng rẻ nhất thế giới

Nhờ chính sách giảm thuế và sử dụng linh hoạt quỹ Bình ổn giá nên giá xăng dầu trong nước biến động phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. Theo công bố tại website: Globalpetrolprices.com (website xếp hạng giá xăng dầu thế giới), giá xăng, dầu của Việt Nam ngày 7/11/2022 đứng thứ 29 đối với mặt hàng xăng và đứng thứ 33 đối với mặt hàng dầu theo thứ tự từ dưới lên trên (giá xăng, dầu rẻ nhất là tại Venezuela và đắt nhất là tại Hong Kong - Trung Quốc).

“Xe cứu thương vượt đèn đỏ” và bài học tôn trọng quy luật kinh tế khi xử lý "cú sốc" xăng dầu

Như vậy, thời điểm hiện nay, chỉ có 28 quốc gia/vùng lãnh thổ có giá xăng thấp hơn của Việt Nam. Malaysia cũng không phải là quốc gia có giá xăng thấp nhất thế giới dù nước này trợ giá mạnh mẽ cho năng lượng. Malaysia có giá xăng thấp thứ 8 thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có 2 quốc gia có giá xăng thấp hơn của Việt Nam là Indonesia và Malaysia.

Suốt năm qua, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động nhưng Việt Nam vẫn nỗ lực ổn định, kiềm chế tăng giá xăng dầu, thậm chí nhiều nước trên thế giới tăng giá nên thứ hạng trên bảng xếp hạng giá xăng của Việt Nam còn tăng lên tới 50 bậc, từ vị trí 79 lên vị trí 29 nền kinh tế có giá xăng rẻ nhất thế giới.

Cụ thể, ở thời điểm tháng 6 năm 2022, khi giá xăng Việt Nam khoảng 30.000 đồng/lít, tại Đông Nam Á, theo số liệu của Global Petro Price cập nhật ngày 30/5, giá xăng của Việt Nam (1,389 UDS/lít) thấp hơn giá xăng của Campuchia (1,392 USD/lít), Thái Lan (1,541 USD/lít), Philippines (1,631 USD/lít), Lào (1,645 USD/lít) và Singapore (2,315 USD/lít). Ở thời điểm này Việt Nam xếp thứ 29 trong số các quốc gia có giá xăng rẻ nhất thế giới và thứ 33 đối với mặt hàng dầu.

Mâu thuẫn giữa các mục tiêu vĩ mô và quy luật của thị trường

Ở Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng chiếm đến 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực; nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng. Theo Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%.

Với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra lạm phát năm 2022 không quá 4% có thể nói đến nay chúng ta cơ bản đạt được, có vai trò rất lớn của việc ổn định giá xăng dầu. Tuy nhiên, mặt trái của nó, như phân tích từ những bài báo trước, đã để lại hệ quả khôn lường là sự đứt gẫy hệ thống phân phối, thậm chí có lúc có nơi làm rối loạn thị trường xăng dầu.

Trả lời phỏng vấn Báo Công Thương về vấn đề này, PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn cho rằng: Riêng tổ chức hệ thống phân phối không giải quyết hết mọi vấn đề. Bởi đã là thị trường thì sẽ liên quan đến vấn đề chi phí, lợi ích. Đã nói đến lợi ích là phải nói đến giá cả. Mà như chúng ta đã biết, điều hành thị trường trong lúc này, chúng ta bị áp lực ở mấy phía như sau: thứ nhất là thị trường xăng dầu bất ổn theo xu hướng tăng giá cao, nhưng ta lại bị áp lực về kiềm chế lạm phát nên lại phải giữ cho chi phí đầu vào thấp đi. Chúng ta phải tìm ra “điểm cân bằng” giữa yêu cầu chống lạm phát và áp lực thị trường, cân đối ở điểm cân bằng nào để không gây tổn hại. Đối với vấn đề này, tôi cho rằng vừa rồi, việc xử lý vấn đề này còn hạn chế.

Vì sao lại như vậy? Vì ta nghiêng nặng về vấn đề kiểm soát giá cả mà không nghiêng về vấn đề thị trường, trong khi thị trường thì liên quan trực tiếp đến hệ thống phân phối từ lúc nhập khẩu vào đến hệ thống bán lẻ bên dưới. Cho nên khi phản ứng theo kiểu nỗ lực kiềm chế giá xăng dầu (dù kiềm chế giá xăng dầu là vấn đề tốt cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp tiêu dùng xăng dầu, người tiêu dùng được giá thấp) thì chịu tác động ngược là nguồn cung bị hạn chế. Đây là điều chúng ta phải tính toán.

“Điểm cân bằng” này đòi hỏi một phản ứng thị trường, nhưng thời gian qua chúng ta không xử lý nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phân phối bán lẻ ngưng bán hàng vì chiết khấu không có, giá cả thấp nên doanh nghiệp không chấp nhận được. Như vậy là cách tiếp cận giá thị trường đến một mức độ nào đó mà nhà nước không đảm bảo cân bằng cho doanh nghiệp thì đến sẽ dễ dẫn đến “vỡ trận”. Thị trường của chúng ta chưa đến mức vỡ trận nhưng rõ ràng là ta chịu tác động tiêu cực. Đây rõ ràng là bài học quan trọng!

Vẫn theo PGS, TS Trần Đình Thiên, thực ra nền kinh tế của ta chưa phải lạm phát mà là ta lo lạm phát, sợ lạm phát bởi khi nhìn ra thế giới, có thể thấy áp lực lạm phát đang rất mạnh. Lo sợ cũng đúng vì lâu nay, lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế của chúng ta rất nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn là Việt Nam chưa lạm phát và chúng ta đang kiểm soát lạm phát rất tốt. Cho nên đừng quá sợ chuyện đó, nhất là trong khoảng thời gian 3 tháng, 6 tháng tới.

Phải khẳng định giá xăng dầu tăng không phải lỗi của doanh nghiệp hay nhà nước mà hoàn toàn do thị trường, thì người tiêu dùng cũng phải chịu một phần mức tăng giá này. Còn nếu như nhà nước vẫn trợ giá, thì sẽ dẫn đến câu chuyện buôn lậu xăng dầu khi giá trong nước thấp hơn các quốc gia khác.

“Cho nên điểm cân bằng chính là chỗ này: người tiêu dùng chịu bao nhiêu? Doanh nghiệp phải chịu bao nhiêu và ngân sách chịu bao nhiêu? Điều này phải tính toán, nghiên cứu, thảo luận kỹ. Nó không có một con số cố định nào mà phải tính toán theo tình hình biến động. Khi Nhà nước còn chịu được, ngân sách hỗ trợ được thì hỗ trợ để vực dậy doanh nghiệp. Người tiêu dùng cũng phải chấp nhận giá xăng dầu cao hơn theo giá thị trường” – PGS, TS Trần Đình Thiên nói.

Trả lời Báo Công Thương, PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phải làm sao để đảm bảo thực hiện được hài hòa 3 mục tiêu Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng. Tôi biết vì sao Bộ Tài chính lại rất đắn đo khi điều chỉnh lại mức chi phí kinh doanh, là vì điều chỉnh mức chi phí kinh doanh nếu tăng lên trong bối cảnh nó phải tăng thì sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá, xăng dầu là một mặt hàng rất nhạy cảm cho nên người ta cũng sợ trách nhiệm nên phải tính toán hết sức thận trọng, vì chậm điều chỉnh dẫn đến nguồn cung thiếu, cái đó chúng ta phải xem xét lại.

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, việc thiếu xăng dầu chưa bao giờ gặp tình trạng kéo dài như thế này. Đó là giá xăng dầu bị kiểm soát quá mức, quá bất hợp lý đến mức người kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, dẫn đến những bất thường như hiện nay. Vậy nên bây giờ cần thay đổi cách thức định giá cho hợp lý. Như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Tài chính.

Từ câu chuyện “xe cứu thương vượt đèn đỏ” đến quyết sách của Thủ tướng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, người được giao phụ trách lĩnh vực xăng dầu nhiêu năm, từng trải qua cơn bĩ cực xăng dầu năm 2011 khá giống hiện nay đã có bài viết trên trang cá nhân để tìm lời giải cho bài toán cung ứng xăng dầu. Ông cho rằng, mọi thứ bắt nguồn bởi một lẽ đơn giản: Kinh tế thị trương vẫn vận hành theo các qui luật thị trường của nó và cái đuôi "định hương XHCN" vẫn phải tôn trọng các qui luật mang tính khách quan. Cho nên, ông Tú phải thẳng thắn “nghĩ thương cho ông Bộ trưởng Công Thương "chân không đến đất, cật không đến trời" nên "lực bất tòng tâm" mà chả thể tự thanh minh được. Ông Nguyễn Cẩm Tú phân tích: Điều hành thị trường xăng dầu ở nước ta do Chính phủ trực tiếp thực hiên, các Bộ theo chức năng tham gia: Bộ Công Thương lo hệ thống phân phối, nhập khẩu, Bộ Tài chính lo thuế phí, Bộ Khoa học công nghệ lo chất lượng, UBND các địa phương lo hệ thống bán lẻ trên địa bàn... Bộ trưởng Bộ Công Thương “không chỉ huy tất cả” được.

Về nguyên nhân thiếu xăng dầu hiện nay, ông Nguyễn Cẩm Tú nhìn nhận cái chính vẫn là do chiết khấu của chuỗi kinh doanh xăng dầu quá thấp nên những kẻ "thấp cổ, bé họng" nhất trong hệ thống là các cây xăng bán lẻ bị lỗ, vì thế họ xin "nghỉ chơi", không bán nữa, chứ không phải do thiếu xăng dầu từ thượng nguồn. Còn nguyên nhân của hiện tượng đó lại là do phân bổ không hợp lý giữa lợi ích của Nhà nước qua thuế phí, lợi ích của các doanh nghiệp qua tỷ lệ chiết khấu và lợi ích của người dân qua giá bán lẻ...

Điều này có phần lỗi của Bộ Công Thương nhưng, cũng phải hiểu là khi giá thế giới và giá nhập khẩu xăng dầu tăng trong khi thuế phí (lợi ích của Nhà nước) chiếm trên dưới 30% giá bán lẻ mà Bộ Tài chính lại không chịu cắt giảm đồng thời người dân mua xăng dầu thấy "xót ruột" nên gây sức ép bằng dư luận xã hội, đòi hỏi giá bán lẻ (lợi ích của người dân) phải thấp dẫn đến hệ quả là giá bán lẻ xăng dầu chết cứng, giữ giá thì "chết lâm sàng", mà tăng lên một cách hợp lý là ăn "gạch đá". Trong điều kiện như vậy thì "dư địa" điều hành thành tố chiết khấu (lợi ích của doanh nghiệp) của Bộ Công Thương rất hẹp nên "lúng túng như gà mắc tóc" là... "đúng qui luật" ! "Cái chăn" (giá bán lẻ) là cố định có vậy, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp bên nào cũng muốn “kéo” nên khó giải quyết.

Vì thế, để giải bài toán này, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nếu cơ chế điều hành thị trường xăng dầu không tôn trọng và vận dụng linh hoạt các quy luật của thị trường và xã hội tiếp tục gây sức ép duy trì giá bán lẻ thấp như hiện nay, thì những thua lỗ trong hệ thống sẽ tích tụ lại và, đến một lúc nào đó, khi độ nén đã quá lớn, ắt phải bùng ra, thì điều đáng sợ là "vỡ" cả hề thống phân phối xăng dầu, chứ không chỉ "vỡ" hề thống bán lẻ như hiện nay. Các cụ mình nói là "già néo, đứt dây" là vậy!

Suy ngẫm của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú thêm ví dụ thực tiễn sinh động cho thấy phải tôn trọng các qui luật của kinh tế thị trường. Đây chính là điều mà Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều trải nghiệm, đúc rút từ thực tiễn 36 năm đổi mới.

Bài 3:“Xe cứu thương vượt đèn đỏ” và bài học tôn trọng quy luật kinh tế trong
Cuốn sách “Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989”

Trong cuốn sách “Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989” nhà sử học kinh tế Đặng Phong từng nhắc lại câu chuyện Thành ủy TP Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn về cung ứng gạo cho dân khi chuỗi cung ứng quốc doanh bị đứt gẫy. “Việc Thành ủy TP.HCM đồng ý để Công ty Lương thực TP “phá rào” cả về giá lẫn cơ chế, xuống thẳng các tỉnh ĐBSCL mua lương thực với giá sát thị trường, đem về bán cho người dân với giá “đảm bảo kinh doanh”, không lấy lãi, đó là sự vi phạm nghiêm trọng về cơ chế giá, cả về cơ chế phân phối lưu thông. Nhưng đứng trước nguy cơ cả thành phố bị đói, bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực đã được Bí thư Thành ủy cho phép làm một việc mà nhiều người gọi là sử dụng “xe cứu hỏa” và “xe cứu thương” để “vượt đèn đỏ” – nhà sử học kinh tế Đặng Phong viết.

Nhà báo Hoàng Tư Giang, phóng viên Báo Điện tử VietNamNet, người đã hàng chục năm theo dõi lĩnh vực xăng dầu nhận xét rằng: Xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý giá, nhưng giá của nó phải tuân theo hai quy luật thị trường là cung cầu và giá trị. Nếu giá xăng dầu không được tính đúng, tính đủ thì việc “đứt gãy” rất khó được xử lý, kể cả với doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước và thị trường gặp trục trặc ngay.

Nhà báo Tư Giang đã kể lại một câu chuyện về điều hành kinh tế những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước để thấy, ở thời điểm khó khăn đến thế, thì các nhà lãnh đạo đều có giải pháp thích hợp. Thời điểm đó, xảy ra khủng hoảng cung ứng lương thực, thực phẩm. Có lần Thủ tướng Đỗ Mười phàn nàn, mỗi năm Chính phủ cần thêm hàng trăm tỷ đồng để bù giá lương thực, thực phẩm cho cán bộ công chức ở Thủ đô. Theo chế độ tem phiếu, giá mua thì đắt còn giá bán thì rẻ. Ông hỏi một chuyên gia kinh tế, nên xử lý thế nào vì đang lạm phát cao.

Vị chuyên gia đáp, Nhà nước không nên làm việc đó mà để nhân dân tự do mua bán, lưu thông thì họ sẽ đưa lương thực, thực phẩm vào Hà Nội. Thủ tướng Đỗ Mười ngần ngại hỏi lại: “Anh nói lạ, dạ dày của dân Nhà nước còn không lo nổi thì sao mấy bà tiểu thương lo được?”. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng ban hành Chỉ thị cho dân tự do mang hàng hóa vào Thủ đô.

Chỉ thời gian ngắn sau, lương thực, thực phẩm tràn ngập các chợ và các cửa hàng mậu dịch không còn cảnh xếp hàng. Sau Tết âm 1989, Thủ tướng Đỗ Mười cho triển khai chính sách đó trên toàn quốc và từ đó, hệ thống tem phiếu được bỏ đi.

Bài 3:“Xe cứu thương vượt đèn đỏ” và bài học tôn trọng quy luật kinh tế trong
Giá xăng dầu cần tuân thủ các quy luật thị trường

Nhắc lại câu chuyện nêu trên, nhà báo khẳng định, giá xăng dầu cần tuân thủ các quy luật thị trường nêu trên và cần tập trung sửa ngay các nghị định liên quan, mà hiện đang lấy ý kiến các bộ, ngành, theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống; tính đúng, tính đủ chi phí, lợi nhuận, chiết khấu; đảm bảo hạn mức cho vay ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu... Giá xăng dầu chắc sẽ tăng lên, nhưng người dân sẽ chấp nhận vì mua được xăng để đi làm còn hơn là không mua được xăng.

Đây cũng là việc Bộ Công Thương đã kiến nghị từ lâu và hiện đã được Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Bộ Tài chính đồng thuận hơn.

Năm 2022, 5 lần Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính rà soát chi phí kinh doanh xăng dầu

- Ngay từ thời điểm tháng 2, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014; rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium và các loại thuế...

- Tháng 7, Bộ Công Thương tiếp tục nêu quan điểm với Bộ Tài chính về công thức giá cơ sở, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoản Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.

- Tháng 8 vừa qua, khi thị trường xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng… Bộ Công Thương tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng

- Ngày 31/8/2022, Tổ điều hành thị trường trong nước đã đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành. Liên tục trong các báo cáo Tổ điều hành gửi Thủ tướng Chính phủ trong các tháng 8,9,10 đều đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước

- Tháng 11, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

3 lần Bộ Tài chính tăng chi phí

- Ngày 7/10, Bộ Tài chính tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2022

- Tháng 6/2022, Bộ Tài chính điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo định kỳ.

- Tuy nhiên, do chi phí này tăng rất cao thời gian qua nên ngày 11/11, Bộ Tài chính tiếp tục điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, sớm hơn so với định kỳ (tháng 1/2023), nhưng doanh nghiệp vẫn đánh giá, mức tăng này chưa phản ánh đúng chi phí thực tế của doanh nghiệp.

Chỉ đạo của Chính phủ

Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 12/10/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước. Thông báo yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu: Chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/ 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10/2022.

Tại Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống. Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước; Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia; Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được Chính phủ giao tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về công tác điều hành thị trường xăng dầu, trong đó chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định. Triển khai quyết liệt các giải pháp theo thẩm quyền để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12/11/2022; Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong tháng 11 năm 2022. Trước ngày 20 hàng tháng rà soát, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu, phục vụ kỳ điều hành từ 21/11.

Bộ trưởng Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính…

Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu sẽ được sửa theo hướng tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường:

Tại cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu Nhà nước ngày 2/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:

Hiện Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát để sửa đổi, điều chỉnh các quy định hiện hành của Nghị định 83, nghị định 95. Bộ Công Thương sẽ sửa theo hướng những điều kiện của thương nhân phân phối cho đến cửa hàng bán lẻ phù hợp thực tế hơn. Bởi “cú sốc” vừa rồi đã bộc lộ những khuyết khiếm trong quy định hiện hành của chúng ta. Bộ cũng sẽ sửa theo hướng một mặt tăng trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị của các doanh nghiệp nói chung, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhất là doanh nghiệp Nhà nước nói riêng. Mặt khác, cũng phải xây dựng cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Tại Phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:

Khẩn trương triển khai việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dự trữ xăng dầu nhằm kịp thời lấp đầy các lỗ hổng lược bỏ sự chồng chéo về quản lý, điều hành của các chủ thể trong quy định hiện hành theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

Tại Hội nghị Giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 15/11, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải:

Bộ Công Thương cũng đang tích cực cùng Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ngày 12/11, Bộ Công Thương có Công văn số 7197 và 7198 gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh thành phố về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 83 và Nghị định 95.

Nhóm phóng viên
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Kinh doanh xăng dầu

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi)

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi)

Ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký văn bản 2034/BCT-ĐTĐL về việc xin ý kiến đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Nam Định đề xuất chuyển đổi dự án nhiệt điện 2,2 tỷ USD từ điện than sang điện khí LNG

Nam Định đề xuất chuyển đổi dự án nhiệt điện 2,2 tỷ USD từ điện than sang điện khí LNG

UBND tỉnh Nam Định vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất chuyển đổi dự án nhiệt điện 2,2 tỷ USD từ điện than sang điện khí LNG.
Đề xuất nhiên liệu chuyển đổi cho các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam

Đề xuất nhiên liệu chuyển đổi cho các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam

Ngày 28/3 tại Hà Nôi, UNDP đã tổ chức cuộc họp trao đổi kỹ thuật đánh giá các kịch bản đưa nhiệt điện than ở Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đồng Nai: Hơn 35.200 khách hàng ký cam kết tiết kiệm điện

Đồng Nai: Hơn 35.200 khách hàng ký cam kết tiết kiệm điện

Tại Đồng Nai, hơn 35.200 khách ký cam kết tiết kiệm điện; 965 khách có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên ký cam kết tham gia điều chỉnh phụ tải điện.
Sản xuất điện của EU đạt bước tiến mới

Sản xuất điện của EU đạt bước tiến mới

Sản xuất điện của Liên minh châu Âu (EU) đạt bước tiến mới trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng ít carbon vào năm 2023.

Tin cùng chuyên mục

Đắk Nông: Quyết liệt thực hiện giải pháp tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng

Đắk Nông: Quyết liệt thực hiện giải pháp tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng

Thời gian qua, thời tiết trên địa bàn Đắk Nông hanh khô và nắng nóng kéo dài. Do đó, nhiều giải pháp trong công tác tiết kiệm điện được PC Đắk Nông triển khai.
Đốc thúc tiến độ đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn từ Thanh Hoá đến Phố Nối

Đốc thúc tiến độ đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn từ Thanh Hoá đến Phố Nối

Lãnh đạo Tập đoàn Tâp đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã kiểm tra dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Thanh Hoá đến Phố Nối.
Dự án đường dây 500kV mạch 3: Các nhà thầu thi công đồng hành cùng chủ đầu tư

Dự án đường dây 500kV mạch 3: Các nhà thầu thi công đồng hành cùng chủ đầu tư

Các nhà thầu thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 bày tỏ sự cam kết, quyết tâm đồng hành cùng chủ đầu tư đưa dự án về đích.
Thừa Thiên Huế: Các giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô

Thừa Thiên Huế: Các giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô

Ngành điện Thừa Thiên Huế triển khai đồng bộ các phương án, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nhằm đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2024.
Sớm đề xuất cụ thể cơ chế huy động nguồn vốn cho phát triển năng lượng tái tạo

Sớm đề xuất cụ thể cơ chế huy động nguồn vốn cho phát triển năng lượng tái tạo

Ngày 27/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp bà Mary L.Schapiro, Phó Chủ tịch Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.
Gia Lai: Tiết kiệm hơn 12,6 triệu kWh điện trong quý 1/2024

Gia Lai: Tiết kiệm hơn 12,6 triệu kWh điện trong quý 1/2024

Sở Công Thương Gia Lai cho biết, sản lượng điện tiết kiệm trên toàn tỉnh trong quý 1/2024 ước đạt hơn 12,6 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2023.
Thủ tướng Phê duyệt Quyết định quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân

Thủ tướng Phê duyệt Quyết định quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg.
Cục Điều tiết Điện lực làm việc với EVNNPC về cung cấp điện năm 2024

Cục Điều tiết Điện lực làm việc với EVNNPC về cung cấp điện năm 2024

Cục Điều tiết Điện lực yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc đẩy mạnh các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện năm 2024, nhất là trong mùa nắng nóng sắp tới.
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Phố Cao và đấu nối

Đóng điện Trạm biến áp 220kV Phố Cao và đấu nối

Trạm biến áp 220kV Phố Cao và đấu nối đi vào vận hành sẽ tăng cường điện cho tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và khu vực phụ cận
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tiến độ đường dây 500 kV mạch 3

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tiến độ đường dây 500 kV mạch 3

Liên quan đến tiến độ đường dây 500 kV mạch 3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu 3 nguyên nhân ảnh hưởng dự án và đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Họp giao ban định kỳ tháng 3 về đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối

Họp giao ban định kỳ tháng 3 về đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối

Ngày 26/3, tại trụ sở Bộ Công Thương, Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp giao ban định kỳ về đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối.
Bắc Giang có 267 cửa hàng bán xăng dầu xuất hóa đơn điện tử

Bắc Giang có 267 cửa hàng bán xăng dầu xuất hóa đơn điện tử

Tỉnh Bắc Giang hiện có 267 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, đạt tỷ lệ 91,1%.
Tuyên Quang: Quyết tâm không để sự cố mất điện xảy ra trong mùa nắng nóng 2024

Tuyên Quang: Quyết tâm không để sự cố mất điện xảy ra trong mùa nắng nóng 2024

Điện lực Tuyên Quang chủ động triển khai các phương án ứng phó quyết tâm không để sự cố mất điện xảy ra trong những đợt cao điểm nắng nóng 2024 .
Cục Điều tiết Điện lực làm việc với EVNHANOI về cung cấp điện năm 2024

Cục Điều tiết Điện lực làm việc với EVNHANOI về cung cấp điện năm 2024

Nhằm chuẩn bị tốt công tác cấp điện mùa nắng nóng 2024, Cục Điều tiết Điện lực đã có buổi làm việc với ngành điện Thủ đô.
Hà Giang tiết kiệm được hơn 8.000 kWh trong Giờ Trái đất 2024

Hà Giang tiết kiệm được hơn 8.000 kWh trong Giờ Trái đất 2024

Công ty Điện lực Hà Giang cho biết, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2024 từ 20h30 - 21h30 ngày 23/3, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 8.666 kWh.
Nga chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc; Anh đầu tư vào lĩnh vực hạt nhân

Nga chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc; Anh đầu tư vào lĩnh vực hạt nhân

Tập đoàn dầu khí Gazprom bắt đầu xây dựng đường ống khí đốt trị giá hàng tỷ USD mở rộng nguồn cung cấp khí đốt để đáp ứng các cam kết xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối: Nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ dự án

Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối: Nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ dự án

Đây là yêu cầu của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3 và việc cung cấp cột thép.
Bài 3:  Phát huy vai trò của cơ quan quản lý

Bài 3: Phát huy vai trò của cơ quan quản lý

Để chương trình tiết kiệm năng lượng đi vào thực chất và hiệu quả, vai trò của cơ quan quản lý tại địa phương hết sức quan trọng.
Nhiều triển vọng với trị trường khí đốt tái tạo Australia

Nhiều triển vọng với trị trường khí đốt tái tạo Australia

Việc sản xuất khí đốt tái tạo rất quan trọng trong việc đưa Australia đến gần với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bắc Giang tiết kiệm được khoảng 8.500 kWh trong Giờ Trái đất 2024

Bắc Giang tiết kiệm được khoảng 8.500 kWh trong Giờ Trái đất 2024

Hưởng ứng Giờ Trái đất 2024, sản lượng điện tiết giảm của Bắc Giang do tắt điện từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 23/3/2024 đạt khoảng 8.500 kWh.
Xem thêm
Mobile VerionPhiên bản di động