Xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm: Đề xuất 3 nhóm chính sách Bài 1: Tư duy, tầm nhìn dài hạn và những quyết sách mang tính chiến lược của Đảng |
Phát triển công nghiệp và những “nút thắt”
Những quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp vươn lên tự chủ đã mang lại sức sống năng động, tươi mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, kết quả của việc triển khai chủ trương của Đảng vào thực tế chưa được như mong muốn.
Nguyên nhân khiến lĩnh vực công nghiệp không đạt mục tiêu phát triển như kỳ vọng bởi chính sách khuyến khích thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, đầu tư cho các ngành công nghiệp ưu tiên và ngành công nghiệp mũi nhọn quá dàn trải. Việt Nam đang thiếu ngành công nghiệp chủ đạo, là “đầu tàu” dẫn dắt các ngành công nghiệp khác phát triển theo.
Công nghiệp ô-tô là một ví dụ điển hình. Dù đã có định hướng từ Chính phủ trong thời gian dài trước đây, nhưng đến nay, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp sản xuất ô-tô đúng nghĩa. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 theo Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 3/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ đã không đạt được kết quả như kế hoạch đặt ra.
Ngành công nghiệp ô tô chưa đạt mục tiêu về tỷ lệ nội địa hoá |
Mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa đến 40% vào năm 2005, đáp ứng hơn 80% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2010 với xe phổ thông; mục tiêu sản xuất được ô-tô để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu đã không đạt được. Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cũng đang đứng trước nhiều khó khăn khi các mục tiêu đề ra chưa đạt tiến độ.
Theo chiến lược này, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam có thể sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ, từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô-tô thế giới… Yêu cầu này gần như khó đạt được khi các chi tiết quan trọng đó vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Giai đoạn 2026-2035, Việt Nam phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô-tô khu vực và thế giới, đáp ứng hơn 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô-tô trong nước. Những mục tiêu này khó đạt được nếu các bộ, ngành liên quan không vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là không thường xuyên đánh giá kịp thời, rà soát kết quả đạt được sau mỗi giai đoạn.
Đưa ra những đánh giá khách quan sau chặng đường dài phát triển của ngành công nghiệp, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn nhiều hạn chế, công nghiệp thông minh phát triển còn chậm.
Thừa nhận thực trạng này, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh đánh giá: "Ngành công nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, nội lực của các doanh nghiệp còn yếu. Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất cũng như chưa có doanh nghiệp hay sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu mạnh”.
Hơn nữa, ngành công nghiệp đang phát triển mất cân đối. Chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Công nghiệp nặng là ngành quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng những năm qua đóng góp cho nền kinh tế rất thấp.
“Sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu khiến sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao. Vì thế, sự chuyển dịch tái cơ cấu trong công nghiệp thời gian qua đến từ khu vực của các doanh nghiệp FDI mang lại chứ không phải là do các doanh nghiệp nội địa” - lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết.
Những trăn trở của lãnh đạo Cục Công nghiệp về việc phụ thuộc khối FDI trong sản xuất công nghiệp rất đáng lo. Bởi lẽ, các ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay phát triển theo mô hình kiểu cũ dựa vào xuất khẩu. Riêng ngành điện tử mỗi năm xuất khẩu khoảng 95 - 100 tỷ USD; dệt may xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; da giày xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD. Đây là 3 ngành Việt Nam tập trung chủ yếu ở khâu hạ nguồn, nhân công giá rẻ mà tổng kim ngạch xuất khẩu đã chiếm khoảng 150 tỷ USD/270 tỷ USD hàng năm, trong khi thượng nguồn là nguyên phụ liệu đầu vào phục thuộc hầu hết vào nhập khẩu.
Mặt khác, ông Phạm Tuấn Anh cũng lo lắng, mặc dù doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện đang hoạt động rất tốt nhưng nếu đặt trường hợp lương của người lao động tăng quá cao, khối doanh nghiệp này rút đi thì Việt Nam sẽ còn lại gì? Nguy cơ này là khá rõ ràng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng phân tích, tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI sẽ khiến nền kinh tế mất tự chủ và nội lực ngày càng trở nên suy yếu. “Với độ mở kinh tế lớn, nhưng quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn, buộc chúng ta phải xây dựng nền kinh tế tự chủ để chống chọi các tác động bên ngoài, quan trọng hơn chúng ta phải có một đạo luật để phát triển công nghiệp mang tính dài hạn, bền vững”- ông Ngô Trí Long nêu ý kiến.
"Định danh" những ngành công nghiệp trọng điểm
Trong bối cảnh thách thức đó, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng là xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm. Và, công nghiệp trọng điểm được định nghĩa là các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Đảng đã xác định trong bối cảnh nguồn lực quốc gia có hạn, để tiến hành công nghiệp hóa đất nước cần ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực cho một số ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên (ngành công nghiệp trọng điểm) để tạo tác động lan tỏa đến cả nền công nghiệp. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hóa và phát triển công nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia bám sát định hướng này.
Mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, công nghiệp nền tảng hay công nghiệp trọng điểm được xác định ở những đối tượng khác nhau. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các ngành công nghiệp: Cơ khí, luyện kim, hóa chất, vật liệu, năng lượng.
Năng lượng luôn được "định vị" trong nhóm ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp trọng điểm |
Trên cơ sở rà soát phù hợp với định hướng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên tại Nghị quyết số 29-NQ/TW nêu trên, và để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành, các ngành công nghiệp trọng điểm được điều chỉnh tại Luật được quy định rõ trong nội dung Đề cương chi tiết của Luật, gồm: Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử, ô tô, công nghiệp công nghệ cao; Công nghiệp vật liệu, luyện kim; Công nghiệp điện tử; Công nghiệp cơ khí chế tạo; Công nghiệp thực phẩm và sinh học; Công nghiệp dệt may, da - giày; Các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm được nghiên cứu xây dựng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên theo định hướng của Nghị quyết nêu trên phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa; kiến tạo được một số đột phá về chính sách để thúc đẩy việc phát triển, chuyển đổi nền công nghiệp theo hướng từ theo chiều rộng sang chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công nghiệp.
Các nội dung chính được Bộ Công Thương đưa ra trong Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ tập trung vào: Ưu đãi cho các dự án công nghiệp trọng điểm và quản lý đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua liên kết ngành và nâng cao chất lượng sản xuất, thúc đẩy các “đầu tàu” và doanh nghiệp tiềm năng; ban hành các chính sách đặc biệt trong phát triển công nghiệp trọng điểm; phát triển bền vững.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, làm nền tảng quan trọng cho thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Việt Nam đã “lỡ hẹn” 3 lần.
Đồng quan điểm với TS. Lê Đăng Doanh, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần có sự đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn trong quá trình xây dựng để Luật Công nghiệp trọng điểm đạt được hiệu quả cao nhất sau khi ban hành.
Ví bộ Luật này như chiếc "phanh" cho ngành công nghiệp, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh chiếc phanh này không phải để "hãm" công nghiệp chạy chậm lại, mà sẽ đảm bảo cho chuyến xe chạy nhanh, an toàn bằng một khung khổ thống nhất, thuận lợi, không "chệch đường" khỏi cấu trúc ngành công nghiệp đã được đề ra trong các quy hoạch, chiến lược.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhìn nhận, công nghiệp trọng điểm là các ngành mà dựa trên đó các ngành công nghiệp khác tồn tại và phát triển, cung cấp các yếu tố đầu vào và tư liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp và kinh tế khác. Việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm là cơ sở thúc đẩy tiến bộ công nghệ, nâng cấp trình độ của toàn bộ nền công nghiệp và các ngành kinh tế khác.
Một trong những tinh thần được quán triệt trong quá trình xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là xác định rõ các ngành trong phạm vi điều chỉnh, đảm bảo khi ban hành Luật sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển chứ không phải công cụ tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm với 3 chính sách: Chính sách 1: Xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp. Mục tiêu của chính sách nhằm khắc phục sự thiếu tính chiến lược, kế hoạch trong định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian qua; làm căn cứ bảo đảm tính khả thi trong việc bố trí các nguồn lực phát triển công nghiệp tập trung vào các ngành trọng điểm, then chốt, có ý nghĩa quan trọng, đòn bẩy; bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp trọng điểm. Chính sách 2: Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp trọng điểm với mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng điểm; thúc đẩy phát triển công nghiệp theo mô hình cụm liên kết ngành. Bảo đảm thống nhất với quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia, của vùng và của tỉnh theo ngành, nghề, cụm ngành. Chính sách 3: Phát triển bền vững trong công nghiệp. Mục tiêu của chính sách nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới. |
Bài 3 (Bài cuối) "Hoá giải" thách thức tạo "đòn bẩy" cho phát triển công nghiệp