Sinh lợi từ thủy điện: Nhìn từ Quảng Nam - Bài 1: Thủy điện lợi gì? Quảng Nam chọn con đường phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững |
Cắt giảm lũ cho hạ du
Đại diện Công ty CP Thuỷ điện A Vương thông tin, trong đợt mưa lũ lớn từ ngày 13-18/10/2023 tại khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, hồ thủy điện A Vương (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã giữ lại toàn bộ 133 triệu m3 nước về hồ, tham gia giảm lũ cho hạ du. Hay đợt mưa lũ ngày 13-17/11/2023, thủy điện A Vương đã vận hành cắt giảm được 48,63 triệu m3 trên tổng 90,57 triệu m3 nước đến hồ ở giai đoạn lũ, chiếm 53,69%.
Trong công tác vận hành mùa lũ, trước khi xả tràn hồ chứa, Công ty đã gửi thông báo báo cáo đến chính quyền địa phương và thông báo hiệu lệnh xả tràn tại vị trí hạ lưu công trình; phát tin thông báo xả tràn hồ chứa qua hệ thống 15 trạm loa cảnh báo được công ty lắp đặt ở vùng hạ du trước ít nhất 4 giờ. Đồng thời, cung cấp thông tin cho huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để phối hợp phát tin trên hệ thống loa truyền thanh của Đài huyện theo quy chế phối hợp đã ký kết và gửi email báo cáo đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, Sở Công Thương khi đã hoàn thành thông báo xả tràn.
Ông Lê Đình Phúc - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, công tác ứng phó thiên tai, vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 trong mùa mưa lũ năm 2023 được công ty triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng đầy đủ theo quy định. Phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành địa phương liên quan bằng các quy chế phối hợp và các phương tiện truyền thông.
Công tác vận hành hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 được thực hiện theo đúng quy trình. Ảnh: V.X |
“Công ty đã xây dựng các kịch bản điều tiết hồ chứa gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam xem xét ra quyết định điều tiết phù hợp trong từng giai đoạn của mùa lũ, đảm bảo hiệu quả cắt, giảm lũ cho hạ du và hạn chế tối đa việc xả thừa ảnh hưởng đến việc tích nước hồ vào cuối mùa lũ phục vụ cho mùa cạn năm 2024. Đối với các huyện vùng hạ du, công ty cũng đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác phòng chống thiên tai và vận hành hồ chứa thủy điện Sông Tranh”, ông Phúc nói.
Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, là vùng được xem là “rốn lũ” của tỉnh, hạ du đầu tiên chịu tác động từ việc điều tiết của nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông Vu Gia nên huyện luôn xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm trong những năm qua. UBND huyện Đại Lộc đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, đảm bảo.
Vùng hạ du huyện Đại Lộc và các công ty thủy điện ký kết các Quy chế phối hợp thông tin về công tác ứng phó thiên tai khi vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa lũ. (Ảnh: Lũ trên sông Vu Gia đoạn chảy qua cầu Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) |
Đối với các nhà máy thủy điện hoạt động trên sông Vu Gia, hằng năm UBND huyện và các công ty thủy điện xây dựng và ký kết các Quy chế phối hợp thông tin về công tác ứng phó thiên tai khi vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa lũ.
“Các công ty phải thông báo việc thực hiện vận hành xả tràn với đầy đủ các nội dung: Mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu nhà máy, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả tràn, lưu lượng nước qua các tổ máy; mục đích vận hành xả tràn; thời điểm bắt đầu xả tràn”, ông Quang nói và cho biết thêm, hằng năm UBND huyện Đại Lộc phối hợp với các công ty thuỷ điện tổ chức Hội nghị truyền thông, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai đến người dân.
Các nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia phối hợp tổ chức Hội nghị truyền thông phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cho người dân vùng hạ du Đại Lộc. Ảnh: V.X |
“Việc quản lý, vận hành và chế độ thông tin, báo cáo của các công trình hồ chứa thủy điện thực hiện đảm bảo theo Quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa và các Quy chế phối hợp được ký kết, qua đó đã góp phần đáng kể trong việc giảm lũ, chậm lũ cho hạ du trong mùa lũ và đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho nhân dân vùng hạ du và chống xâm nhập mặn trong mùa cạn”. Ông Trương Xuân Tý |
“Giải bài toán” chống hạn
Ông Lê Đình Phúc cho hay, để chống tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn, ngay từ cuối năm 2023, công ty đã xây dựng kế hoạch điều tiết nước năm 2024 của hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 trình UBND tỉnh Quảng Nam và các Sở, ngành của tỉnh để thống nhất điều hành, chỉ đạo đảm bảo sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn năm 2024.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã ban hành Chỉ thị về triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện của Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 năm 2024 và các năm tiếp theo.
Cụ thể, giao các đơn vị trong công ty quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo cấp nước hạ du theo Quy trình vận hành liên hồ chứa và các chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương và cung ứng điện theo kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện được Bộ Công Thương, EVN phê duyệt.
Quảng Nam cơ bản đảm bảo được nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân vùng hạ du. |
“Đặc biệt, tập trung cao độ trong giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên về quản lý, vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị để đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định các tổ máy Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, góp phần cùng EVN, EVNGENCO1 cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân”, ông Lê Đình Phúc chia sẻ.
Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, những năm gần đây, mặc dù các vùng lân cận đều xảy ra tình trạng thiếu nước do hạn hán thì Quảng Nam vẫn cơ bản đảm bảo được nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân vùng hạ du.
Thực hiện Quy trình 1865, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành chủ động tính toán và phối hợp với các chủ đập thủy điện xây dựng kế hoạch xả nước qua phát điện phù hợp với tình hình thời tiết, nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện và nhu cầu sử dụng nước ở vùng hạ du. Tuy nhiên, hằng năm do ảnh hưởng của triều cường, khu vực hạ du sông Thu Bồn thường xuyên bị mặn xâm nhập sâu vào nội địa, với nồng độ cao mặc dù Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đã vận hành xả nước qua phát điện với lưu lượng đảm bảo theo Quy trình.
“Để chống tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn trong thời gian đến, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam; Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam; Công ty Điện lực Quảng Nam; các chủ hồ thủy điện thực hiện các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024”, ông Tý nói.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, mới đây nhất, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Đà Nẵng và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức cuộc họp tham vấn quản lý tổng hợp tài nguyên nước tỉnh Quảng Nam để thành lập Uỷ ban Quản lý lưu vực sông Thu Bồn – Vu Gia. Thông qua đó sẽ có sự điều tiết, quản lý, vận hành đối với tất cả hoạt động trên lưu vực sông này. |
Bài 3: Sinh kế bền vững cho người dân lưu vực thủy điện