Trong hành trình đến với các vị trí cuối cùng của đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu khi mà cách mốc thời gian hoàn thành theo mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra chỉ còn chưa đầy 10 ngày, điều mà chúng tôi ghi nhận được đó là niềm tự hào, vui sướng của những người thợ truyền tải. Mặc dù gian nan vất vả nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công, tiến độ của công trình đã gần về đích, 3 trong 4 cung đoạn của dự án đã đóng điện thành công, chỉ còn cung đoạn Quảng Trạch (Quảng Bình) – Quỳnh Lưu (Nghệ An), lực lượng thi công đang tập trung kéo dây, treo sứ, lắp lèo… tại một số vị trí đặc biệt khó khăn trên dãy Hoành Sơn thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ và hiểm trở. Trong ánh chiều tà trên đỉnh Hoành Sơn, Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh Nguyễn Sỹ Thắng chia sẻ: Trước khi được điều về phụ trách tiếp nhận thi công vị trí Cột số 8 do quá khó khăn nhà thầu triển khai rất chậm, chúng tôi cũng là những người thợ được phân công nhiệm vụ thực hiện thi công vị trí 300A cung đoạn NMNĐ Nam Định 1- Phố Nối nằm trên địa phận tỉnh Hưng Yên. Vị trí Cột số 300A đánh dấu sự kỳ vĩ của công trình đường dây 500kV mạch 3 và những người thợ Truyền tải điện Hà Tĩnh thi công trong điều kiện khó khăn nhất. Đây là cột ống (cột DO), chưa nhà thầu nào thi công bằng thủ công, vị trí cột nằm giữa 3 ao nuôi cá chỉ có 1 lối vào duy nhất, xe thi công bán cơ giới không vào được, toàn bộ được thi công bằng thủ công, sức người. |
Không chỉ riêng vị trí Cột 300A, sau khi dựng thủ công thành công, Truyền tải Điện Hà Tĩnh tiếp tục được giao đảm nhiệm thi công nhiều vị trí cột đặc biệt khó khăn trên tuyến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối như các vị trí: 386 ở Diễn Châu- Nghệ An rồi sau đó là một số vị trí nằm trên dãy Hoành Sơn trong đó có vị trí Cột số 08. Là người đã tham gia giám sát, nghiệm thu, quản lý vận hành đường dây 500kV mạch 1,2 và bây giờ bằng kinh nghiệm quý báu của mình là đường dây 500kV mạch 3, để có được các giải pháp thi công phù hợp, giải quyết được những khó khăn do địa hình, thời tiết tại các vị trí Cột mà nhà thầu gần như “lắc đầu” kỹ sư Nguyễn Sỹ Thắng đã phải tự mình đọc bản vẽ, khảo sát địa hình trực tiếp từ đó tìm giải pháp tối ưu nhất. Theo ông Thắng, bản vẽ của mạch 3 chế tạo, thi công và lắp ráp là 1 còn của đường dây 500kV mạch 1 thì mỗi cột có 1 bản vẽ toàn thể, 1 bản vẽ thi công (lắp ráp) và 1 bản tổng hợp nguyên vật liệu. Do đó, đối với mạch 3, người thợ sẽ gặp khó khăn hơn trong quá trình thi công. |
Một khó khăn nữa cũng được ông Thắng chia sẻ, đối với đường dây 500kV mạch 1 và 2 là mạch đơn các thân cột chỉ cao từ 28 đến 80m, trung bình là cao từ 38-42m, còn đường dây 500kV mạch 3 là mạch kép, cột bé và thấp nhất cũng 47-50 tấn cột chủ yếu cao từ 75-80m, nhiều cột cao đến 145m nặng 465 tấn. Khối lượng thiết bị, sắt thép của đường dây 500kV mạch 3 nhiều gấp đôi so với mạch 1,2, đồng thời tiết diện của dây cũng lớn gấp 1,5 lần so với mạch 1 và 2. Ông Thắng cho rằng, những người thợ trên công trường đường dây 500kV mạch 3 mà đặc biệt là những người lính truyền tải điện, họ không chỉ “vượt nắng, thắng mưa” mà họ còn “vượt gió” và quan trọng hơn cả họ đã vượt qua chính mình, làm nên những điều kỳ tích, góp phần đưa dự án về đích với thời gian “thần tốc”. |
Từ Quảng Trạch (Quảng Bình) rồi Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ngày thứ 2 chúng tôi tiếp tục hành trình đến với xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) nơi có gần 100 lao động đến từ Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) và Công ty Truyền tải điện 4 đang có mặt thi công tại các vị trí cột: 360, 361, 363. Có mặt tại vị trí cột đảo pha – Cột số 361 nơi những người thợ của Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) đang thi công. Với khuôn mặt sạm đen vì nắng, gió miền trung, ông Nguyễn Vỹ- Phó Giám đốc Truyền tải điện Miền Đông 1 thuộc PTC4 cho biết: Chúng tôi tham gia tăng cường cho công trình đường dây 500kV mạch 3 từ ngày 15/5, đến nay đã gần 4 tháng. Trong đó, 50 kỹ sư, công nhân của Truyền tải điện Miền Đông chưa ngày nào ngơi nghỉ, có người quê ở Bắc Ninh đã nhiều năm liền chưa về thăm quê, trong đợt tăng cường cho đường dây 500kV mạch 3 ở miền Bắc lần này đã dự định xin nghỉ ngày cuối tuần, nhưng quyết định ở lại công trường để thi công nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Theo đó, Truyền tải điện Miền Đông 1 tham gia thi công 8 vị trí gồm cả dựng cột và kéo dây, lắp đặt 3 ngăn lộ tại TBA 500kV Thanh Hóa “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi thực hiện với tinh thần quyết tâm, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết miền Bắc nắng gắt, mưa nhiều nhưng ai cũng tự hào vì mình được đóng góp công sức vào công trình trọng điểm quốc gia và cũng là của ngành điện”- ông Nguyễn Vỹ tâm sự. Ông Vỹ cười nói, sắp đóng điện rồi, điều chúng tôi ấn tượng nhất khi tham gia công trình không phải những khó khăn, vất vả mà là những tình cảm của những đồng nghiệp trong toàn ngành truyền tải nói riêng và của lực lượng thi công trên công trường nói chung và sự hỗ trợ, ủng hộ, chia sẻ của người dân địa phương nơi đơn vị thi công. Còn ông Nguyễn Văn Bảy- Phó Giám đốc PTC4 cho hay: Để tăng cường cho công trình, vào lúc cao điểm nhất PTC 4 đã huy động 270 công nhân, kỹ sư tham gia thi công, hiện tại còn 256 người của 23 đội Truyền tải điện phụ trách đường dây đến từ 9 tỉnh thành phía Nam, từ Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương…. cho đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Theo ông Bảy, các đội ở các vùng miền khác nhau chưa từng phối hợp với một quy mô lớn nên chúng tôi phải tổ chức bộ máy sinh hoạt, tự mình phải gắn kết để tạo nên sức mạnh tập thể, hoàn thành nhiệm vụ. |
Ấn tượng nhất đối với những người thợ của PTC4, đây là lần đầu tiên những người thợ truyền tải tham gia vào công trình trọng điểm của đất nước, trước chỉ quen lắp dựng cột 220kV, trọng lượng chỉ 50 tấn/cột, nhưng khi tham gia thi công dự án 500kV mạch 3, có những cột nặng 240 tấn, cá biệt có cột lên đến 427 tấn như tại vị trí 361 cung đoạn Quỳnh Lưu (Nghệ An) – Thanh Hóa, nhiều công nhân, kỹ sư không khỏi ngỡ ngàng, bối rối, sau thời gian làm quen, nghiên cứu có sự hướng dẫn từ các kỹ sư tư vấn, giám sát những người thợ truyền tải điện đã dần quen và trở lên thuần thục. “Sau gần 4 tháng tăng cường, PTC4 đã tham gia lắp dựng 24 cột và hỗ trợ kéo dây, đấu lèo nhiều vị trí cột, khoảng néo khác theo nhiệm vụ Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) giao”- ông Bảy cho biết thêm. Còn tại vị trí 363 cung đoạn Quỳnh Lưu – Thanh Hóa, ông Đinh Nho Hợi – Phó Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 (PTC1) cho biết: Chúng tôi đã huy động 62 cán bộ, công nhân tham gia tăng cường cho dự án từ ngày 15/5, lực lượng của Truyền tải Đông Bắc 3 trải rộng tại các vị trí 361, 363, 376… đến nay nhiều người chưa từng về thăm nhà. |
Có thể khẳng định, hiếm có nhiệm vụ nào quy tụ nhiều lao động các đơn vị truyền tải đến vậy, hơn 1.500 kỹ sư, công nhân đang công tác tại các đơn vị thuộc EVNNPT tham gia công trình. “Mặc dù chúng tôi chỉ có cơ hội làm việc cùng, gặp gỡ với một số ít các cán bộ, công nhân đến từ các đơn vị truyền tải nhưng đó là những trải nghiệm dấu ấn tuyệt vời nhất mà chúng tôi có được khi tham gia công trình này”- ông Bảy cho hay. |
Tại khoảng néo 173-174 thuộc địa huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tôi gặp những người thợ Truyền tải Điện Thanh Hóa thuộc PTC1, mặc dù cung đoạn Quỳnh Lưu- Thanh Hóa vừa hoàn thành công tác đóng điện, những công việc còn lại của lực lượng truyền tải vẫn còn rất nhiều. Là đơn vị thi công nhưng cũng là đơn vị tiếp nhận quản lý, vận hành ông Nguyễn Trường Giang – Phó Giám đốc Truyền tải điện Thanh Hóa cho biết: Hiện chúng tôi đang hoàn tất một số các hạng mục còn lại cũng như kiểm tra và siết lại ốc vít, hành lang tuyến… bởi đây là thời điểm vào mùa mưa bão. Được biết, Truyền tải điện Thanh Hóa tham gia dựng cột và kéo dây một số vị trí thuộc cung đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu- Thanh Hóa và Thanh Hóa- NMNĐ Nam Định 1. |
Anh Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Như Xuân (Truyền tải điện Thanh Hóa) chia sẻ: 31 năm tham gia công tác trong ngành Truyền tải, cảm xúc của tôi rất vui mừng khi đường dây sắp hoàn thành và đóng điện toàn tuyến. |
Trần Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |