Phòng kỹ thuật ngay tại công trường Trong cái nóng 39 độ C- 40 độ C của miền Trung, từ TBA 500kV Thanh Hóa, tôi tiếp tục lên đường đến vị trí 343 nằm trên địa phận của huyện Nam Đàn, (Nghệ An) do những người lính của Truyền tải điện Nghệ An, Công ty Truyền tải 1 thực hiện thi công. Khác hẳn với vẻ bề ngoài quần áo chỉnh tề, đồng phục dành cho cán bộ khối văn phòng của các đơn vị truyền tải điện mà tôi đã từng gặp trước đó, tôi suýt không nhận ra anh Phạm Thanh Hải - Phó giám đốc Truyền tải điện Nghệ An. Trong trang phục dày cộp và kín mít, anh Hải cho biết, thời tiết quá khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, nếu không mặc như vậy thì không thể làm việc ở ngoài trời nắng lâu được. “Được sự quan tâm của Công đoàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) hiện công nhân thi công của chúng tôi đã được trang bị áo làm mát, nên người lao động phần nào cũng đỡ mất sức khi thi công ngoài trời nắng”- anh Hải cho hay. Giữa cái nắng chói chang, cháy da của miền Trung, kết hợp với gió khô phơn Tây Nam thổi ràn rạt, những người thợ truyền tải vẫn phải làm việc miệt mài, trung bình mỗi ngày từ 10-12h đồng hồ để đảm bảo tiến độ thi công của công trình. Chỉ vào chiếc lều được căng ngay tại công trường, anh Hải cho biết, hơn một tháng nay, gần như công trình ở đâu thì “phòng kỹ thuật” của Truyền tải điện Nghệ An ở đó. Là phó giám đốc TTĐ Nghệ An phụ trách đường dây, không chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát, chỉ đạo, điều hành nhiều lúc anh Hải cũng phải cùng với công nhân trên công trường tham gia lắp dựng cột. |
Nói về vị trí 343 anh Hải cho biết, vị trí này về địa hình và mặt bằng không khó khăn nhưng khó khăn về thời tiết, ngoài ra cột 343 có trọng lượng hơn 400 tấn, đây là cột đôi (cột 2 thân) cao 88m, cùng với đó công tác chuẩn bị vật tư mất nhiều thời gian do lượng ốc vít và các thanh lắp ghép nhiều. “Là cột chế tạo mô-đun nên nhiều khi vật tư, thiết bị được chuyển đến chậm hoặc có sự nhầm lẫn từ cột này sang cột khác… lực lượng thi công phải mất thêm thời gian phân loại rà soát thiết bị cho đủ bộ ”- anh Hải cho hay. |
Hiện Truyền tải điện Nghệ An có 46/76 cán bộ, công nhân đang tham gia thi công đường dây 500kV mạch 3. Để tránh nắng nóng, công việc của các anh bắt đầu từ 5h30 sáng đến 11 giờ trưa, tuy nhiên nhiều lúc các anh đều làm thâu trưa, giữa trời nắng gắt đến 13-14h mới nghỉ và tiếp tục quay trở lại làm việc chỉ sau 1-1,5h nghỉ ngơi. Theo anh Phạm Thanh Hải, ngay từ khi triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3, Truyền tải điện Nghệ An đã tham gia với vai trò giám sát, tư vấn, quản lý để đảm bảo an toàn cho đường dây. Tuy nhiên, để tăng cường cho công tác thi công, đơn vị chính thức huy động nguồn nhân lực từ 17/5 và tham gia thi công các vị trí cột 10 và vị trí cột 252. “Vị trí 343 là cột thứ 3 được chúng tôi triển khai, ngoài 46 người tham gia trực tiếp thi công, 30 người “ở nhà” vừa tham gia quản lý vận hành, vừa đi kiểm tra đường dây, có những người chỉ còn 2 tháng nghỉ hưu vẫn tham gia thi công trên công trường’- anh Phạm Thanh Hải cho biết thêm. Nói về công tác thi công của vị trí cột số 10 và và vị trí 252, anh Hoàng Việt Cường, Đội Truyền tải điện Vinh thuộc TTĐ Nghệ An cho biết: Cột số 10 (trên địa bàn tỉnh Nam Định) là cột đầu tiên chúng tôi thi công mặc dù khối lượng thiết bị chỉ hơn 70 tấn nhưng địa hình hết sức khó khăn do nằm giữa đầm lầy. Còn cột 252 nằm trên địa bàn tỉnh Hải Dương ở khu vực đồng ruộng, bùn đắp lên. Cả hai vị trí này khó khăn nhất là công nhân không có oxi để thở. Trời nắng, chất thối của bùn xộc lên, ai cũng tức ngực khó thở và mệt. Nói thêm về khó khăn của 2 vị trí cột trên, ông Lê Trọng Thái - Giám đốc Truyền tải điện Nghệ An chia sẻ, do nằm ở giữa đầm lầy, vị trí số 10 của đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 – Thanh Hóa được đơn vị thi công từ ngày 17/5-3/6 và hoàn toàn thi công bằng thủ công và dùng tời leo để dựng cột. Còn tại vị trí 252 của tuyến đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 - Phố Nối, mặc dù có thể sử dụng cẩu để thi công, nhưng xung quanh có các tuyến đường dây 110kV, 35kV... nên chúng tôi cũng phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống đường dây truyền tải hiện hữu cũng như cho người lao động trong quá trình thi công. Khó khăn là vậy, nhưng mỗi cán bộ công nhân viên truyền tải điện đều tự hào vì được tham gia đóng góp phần nhỏ công sức của mình vào công trình thế kỷ của đất nước, của ngành điện. Anh Hoàng Việt Cường tâm sự, những công việc này chúng tôi chưa thực hiện bao giờ, lúc đầu thi công còn bỡ ngỡ, tuy nhiên ai cũng vui và tự hào vì được lựa chọn tham gia công trình trọng điểm của ngành điện và của đất nước. “Chúng tôi rất xúc động khi nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo EVN, EVNNPT, PTC1 cùng các cấp công đoàn đã xuống động viên và dành những nguồn lực tốt nhất cho người lao động như xe vận chuyển, quần áo làm mát…”- anh Hoàng Việt Cường nói. |
Là những người sẽ tham gia trực tiếp quản lý, vận hành đường dây, anh Cường mong muốn sau này khi dự án hoàn thành, anh mong muốn phần hành lang trên tuyến giải tỏa triệt để, điều này giúp cho lực lượng quản lý vận hành không phải sửa sai, khắc phục những tồn tại mà bên thi công để lại. Nói về chiến dịch thi đua nước rút “45 ngày đêm hoàn thành các dự án đường dây 500kV mạch 3” của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, ông Lê Trọng Thái cho biết: Toàn bộ CBCNV của TTĐ Nghệ An rất quyết tâm, đây là công trình trọng điểm và cấp bách, xác định được vai trò của người thợ truyền tải, tất cả người lao động đồng lòng, tích cực. Chúng tôi đã chủ động sắp xếp tất cả công tác, đến tháng 4/2024 đã hoàn thành toàn bộ công tác sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo đường dây vận hành an toàn nhất là trong mùa nắng nóng khi đường dây mang tải cao. Khi đường dây 500kV mạch 3 hoàn thành, Truyền tải điện Nghệ An sẽ tiếp nhận quản lý, vận hành thêm 99,7km đường dây 500kV. Hiện đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và vật lực và đảm bảo sẽ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà PTC1 và Tổng công ty EVNNPT giao. Còn nữa |
Nội dung: Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |